Giá lương thực tăng tác động nặng đến kinh tế

Nhiều quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng tăng giá lương thực mà có thể gây ra lạm phát và suy giảm kinh tế.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng tăng giá lương thực đang có thể sẽ gây ra lạm phát và làm suy giảm nhịp độ tăng trưởng của các nền kinh tế.

Những cơn mưa lớn do ảnh hưởng của hàng loạt cơn bão đã khiến lũ lụt xảy ra nghiêm trọng không chỉ ở khu vực thủ đô Manila của Philippines mà còn xảy ra tại một số tỉnh sản xuất lúa gạo ở miền Trung Luzon, được mệnh danh là "vựa lúa" của nước này.

Các quan chức chính phủ Philippines cho biết, do chuỗi cung ứng bị gián đoạn nên việc giá lương thực tăng chỉ là tạm thời. Giá lương thực tăng, chiếm 39% chỉ số giá tiêu dùng ở Philippines, có thể đẩy lạm phát của nước này tăng mạnh hơn trong tháng 7 và là mức cao nhất trong 6 tháng qua.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Philippines (NSO) cho biết, ngay cả trước khi lũ lụt xảy ra chỉ số giá lương thực trong tháng 7 đã tăng 2,2%, sau khi tăng 2% trong tháng 6. Cũng theo NSO, mưa đã xảy ra liên tục ở một số vùng trong thời gian này dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển rau quả từ những khu vực trồng trọt đến thị trường.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, Proceso Alcala cho biết trận lũ lụt gần đây chỉ tác động nhẹ đến sản xuất lúa gạo của nước này trong quý Ba.

Trong khi lũ lụt lớn gây ra tình trạng tăng giá lương thực tại Philippines thì ở các nơi khác trên thế giới xu hướng tăng giá lương thực cũng diễn ra do hạn hán kéo dài.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu đã tăng 6% trong tháng 7 sau khi giảm trong ba tháng, chủ yếu là do giá ngũ cốc và giá đường tăng lên.

Chỉ số giá lương thực của FAO đã tăng 12 điểm lên mức 213 điểm nhưng vẫn chưa bằng mức kỷ lục 238 điểm trong tháng 2/2011. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trung bình là 260 điểm, tăng 38 điểm trong tháng 6, nhưng lại thấp hơn 14 điểm so với mức kỷ lục 274 điểm hồi tháng 4/2008.

FAO cho biết, việc tăng giá lương thực là do hạn hán kéo dài ở Mỹ đã ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng ngô khiến giá mặt hàng này tăng 23% trong tháng 7.

Giá lúa mì cũng tăng 19% sau khi triển vọng thu hoạch của Nga đã bị giảm sút và những vấn đề thời tiết không thuận lợi ở Brazil, Ấn Độ, Australia cũng đã làm tăng giá đường. Một số vùng của Ấn Độ, bao gồm cả các tỉnh chuyên sản xuất đường, đã bị hạn hán trầm trọng mặc dù bước vào mùa mưa.

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) lại không cho rằng cuộc khủng hoảng giá lương thực sẽ lan rộng như đã từng diễn ra trong thời gian 2007-2008.

Theo WB, giá lương thực nhìn chung đã tăng cao hơn, nhưng chưa tới mức như thời gian 2007-2008 đã khiến hàng triệu người lâm vào cảnh đói nghèo khi mà giá lương thực tăng song song với giá dầu cao vút.

Andrew Burns, nhà kinh tế hàng đầu của WB cho biết, giá lương thực tăng không có khả năng làm cho kinh tế thế giới suy thoái hơn nữa.

Từ năm 2008, các quốc gia đã thực hiện những nỗ lực để nâng cao năng suất và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

WB cũng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với vốn đầu tư tăng từ 2,5 tỷ USD/năm hồi năm 2008 lên 9,5 tỷ USD/năm hiện nay./.

Vân Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục