Giả mạo thương hiệu siêu thị điện máy để sửa chữa, bảo hành sản phẩm

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, việc đưa thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là hành vi bị cấm theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Giả mạo thương hiệu siêu thị điện máy để sửa chữa, bảo hành sản phẩm ảnh 1Trang web của Trung tâm Mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng. (Ảnh: https://www.nguyenkim.com)

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra cảnh báo hiện tượng giả mạo thương hiệu của các siêu thị điện máy nổi tiếng để thu tiền sửa chữa, bảo hành thiết bị với giá cao.

[Hơn 99% hàng hóa của Mumuso Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc]

Giả mạo thương hiệu để trục lợi

Từ đơn thư phản ánh, Cục Cạnh tranh và bảo vệ Người tiêu dùng cho biết, nhiều người tiêu dùng gặp một số thông tin về cửa hàng, địa điểm bảo hành, sửa chữa các thiết bị điện tử gia dụng có liên quan đến thương hiệu của các siêu thị điện máy lớn.

Đơn cử, tại địa chỉ webstie: http://trungtamdientunguyenkim.com có sử dụng logo của Công ty cổ phần thương mại Nguyễn Kim. Khi liên hệ qua điện thoại, người tiêu dùng được cho biết là trung tâm bảo hành và sửa chữa của Nguyễn Kim.

"Do tin tưởng đây là đơn vị bảo hành, sửa chữa của các thương hiệu uy tín nên người tiêu dùng đã mang các thiết bị tới để sửa chữa. Kết quả giá sửa chữa thường rất cao và sau khi sử dụng được một thời gian thì thiết bị lại bị hỏng, không được bảo hành," Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.

Đáng chú ý, khi liên hệ lại với các đơn vị này, người tiêu dùng lại tiếp tục bị báo giá sửa chữa cao. Chỉ đến khi người tiêu dùng liên hệ tới một số đơn vị sửa chữa khác để kiểm tra thì mới phát hiện nguyên nhân bị hỏng hoàn toàn khác và chi phí sửa chữa cũng thấp hơn nhiều.

Trên cơ sở nội dung khiếu nại nêu trên, để xác minh thông tin, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã làm việc với doanh nghiệp có địa chỉ http://trungtamdientunguyenkim.com nêu trên. Kết quả xác minh cho thấy, trang web này không phải là trang web của Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim.

Cơ quan này cũng lên tiếng cảnh báo, ngoài việc giả mạo thương hiệu của siêu thị Nguyễn Kim nêu trên, hiện có rất nhiều địa chỉ website, đơn vị khác đang lợi dụng việc sử dụng thông tin gây nhầm lẫn về thương hiệu, uy tín để lừa đảo người tiêu dùng trong các giao dịch.

Còn về phía Trung tâm Mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim (gọi tắt là Nguyễn Kim), doanh nghiệp này cho biết, đã phát hiện có “hiện tượng giả danh nhân viên bán hàng của Trung tâm Mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim” đến tại nhà khách hàng để mời chào mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Trong đó, các sản phẩm được bán dạo theo hình thức này thường là các sản phẩm gia dụng như: nồi cơm điện, bếp gas, bếp hồng ngoại, bếp từ… Trên website của doanh nghiệp này đã thống kê 14 địa chỉ trang web dùng tên Nguyễn Kim khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn.

Cần tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng

Nói về các hành vi trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, những cách kinh doanh trên đây rõ ràng là lách luật. Thậm chí những thông tin về sản phẩm dù được ghi nhưng rất nhỏ, mắt thường khó đọc.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, việc đưa ra thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là hành vi bị cấm theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại diện Vinastas đưa ra khuyến cáo, nếu mua hàng trên trang thương mại điện tử thì người tiêu dùng nên tìm hiểu thông tin trên cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.

Theo ông, tại đây có đăng danh sách các website thương mại điện tử vi phạm pháp luật, danh sách các website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc danh sách thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử.

"Tóm lại, chúng ta cần tìm hiểu các thông tin có liên quan đến sản phẩm hàng hóa cũng như về tổ chức, cá nhân kinh doanh trước khi mua hàng và sử dụng dịch vụ để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể gây ra," ông Hùng khuyến cáo.

Về phía Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan này cũng đưa ra khuyến nghị với người tiêu dùng khi có nhu cầu sửa chữa, bảo hành thiết bị, nên tham khảo thông tin từ các nguồn tin cậy, có kiểm chứng.

Ví dụ, thông tin về đơn vị bảo hành, sửa chữa trên phiếu bảo hành do nhà sản xuất cung cấp; gọi điện thoại tới các Trung tâm chăm sóc khách hàng của các thương hiệu lớn để được tư vấn hoặc gọi điện thoại trực tiếp tới siêu thị để được tư vấn…

Hơn nữa, khi thực hiện bảo hành, sửa chữa nên yêu cầu doanh nghiệp lập phiếu tiếp nhận bảo hành, sửa chữa, trong đó, mô tả chính xác, đầy đủ tình trạng máy tại thời điểm tiếp nhận.

"Trong trường hợp quyền lợi vị xâm phạm, người tiêu dùng có thể thực hiện phản ánh, khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, qua tổng đài 1800.6838 hoặc Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước," đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục