Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN-Bài 3: Tận dụng lợi thế

Các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế như nông nghiệp, thủy sản là thế mạnh của vùng, thương mại, dịch vụ phát triển, tuy nhiên năng lực cạnh tranh chưa cao.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mang đến nhiều cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng kèm theo đó là những thách thức và nếu không có sự chuẩn bị, các doanh nghiệp khu vực này sẽ khó tận dụng được những lợi thế.

Báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho hay, khi gia nhập AEC, các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế, cơ hội như nông nghiệp, thủy sản là thế mạnh của vùng; thương mại, dịch vụ phát triển khá tốt; nguồn nhân công giá rẻ; chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ chi phí thấp, hạn chế phụ thuộc bên ngoài; trình độ sản xuất nông thủy sản, chế biến lương thực xuất khẩu không thua bất kỳ vùng miền nào trong cả nước.

Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN-Bài 3: Tận dụng lợi thế ảnh 1Khu nuôi tôm công nghiệp của Công ty TNHH Thương mại Trúc Anh tại Bạc Liêu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tuy nhiên, cùng với những cơ hội là những thách thức như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao; vốn đầu tư mở rộng sản xuất còn hạn chế; trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp; nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít; doanh nghiệp chưa chuẩn bị tốt cho hội nhập…

Tiến sỹ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho rằng, vào AEC các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long phải tham gia một thị trường tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư và lao động trong nội khối các nước ASEAN.

Thị trường chung là cơ hội để các doanh nghiệp khu vực mở rộng thị trường với chi phí thấp, tăng trao đổi hàng hóa thương mại.

Ngược lại là cơ hội xâm nhập thị trường Việt Nam đối với sản phẩm hàng hóa và doanh nghiệp các nước nội khối có thế mạnh. Điều này sẽ dẫn đến sự mất cân bằng cán cân thương mại và tạo áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với doanh nghiệp trong khu vực.

Doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với trình độ kỹ thuật lạc hậu, năng lực quản trị kém, thông tin hạn chế. Các doanh nghiệp này sẽ bị áp lực cạnh tranh rất lớn, thậm chí phá sản trước các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nông nghiệp, trong khi các nước cũng có thế mạnh tương đồng nhưng trình độ khoa học công nghệ, năng lực quản trị cao hơn. Do đó nguy cơ bị thâu tóm, kiểm soát toàn diện trong chuỗi giá trị, đặc biệt ở lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn.

Theo ông Dũng, doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động tiếp cận thông tin và tìm hiểu những tác động của các hiệp định thương mại, nhằm tận dụng tốt các cơ hội và hạn chế rủi ro, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và sẵn sang hội nhập.

Cùng với đó, doanh nghiệp khu vực cần thay đổi tư duy, học quản trị sự bất định, quản trị sự thay đổi. Điều quan trọng là phải sớm đổi mới máy móc thiết bị hoặc đầu tư mở rộng sản xuất và đầu tư vào chiều sâu.

Là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ được ví như “đầu tàu” cho sự phát triển cũng như hội nhập kinh tế sâu rộng của cả khu vực. Tuy nhiên, ngay trung tâm này, việc hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN đang gặp nhiều thách thức hơn bao giờ hết.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ Bùi Ngọc Vỵ, Cần Thơ có gần 8.000 doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp nhỏ chiếm hơn 90%. Hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố vẫn dùng công nghệ tương đối lạc hậu, sử dụng nhiều lao động phổ thông.

Số doanh nghiệp này cần sớm liên danh, liên kết để thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và thiết bị, để gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN một cách chủ động.

Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN-Bài 3: Tận dụng lợi thế ảnh 2Khu nuôi tôm giống của Công ty TNHH Một thành viên Giống thủy sản Thảo Nguyên, Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo cam kết, đến năm 2018, sẽ có khoảng 97% hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam được miễn thuế. Năm 2015, Việt Nam cam kết đưa thuế suất về mức 0-5% đối với 90% số dòng thuế và đến năm 2018 phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với bốn mặt hàng đường, muối, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực năng động có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong các lĩnh vực lợi thế như lúa gạo, thủy hải sản, trái cây, rau đậu.

Trong cuộc khảo sát của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ từ tháng 1-3/2015 cho thấy, có đến 90% doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết sẽ ổn định hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2016.

Như vậy, hầu hết các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đã nhìn thấy được những thách thức cũng như lợi thế của mình để hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục