Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2021 đạt 3,49 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các nhóm ngành hàng chính đều có sự tăng trưởng khá, nhiều mặt hàng tận dụng thời cơ thị trường tăng tốc ngay từ đầu năm.
Nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh
Tăng trưởng mạnh nhất trong các sản phẩm nông sản là mặt hàng cao su. Tiếp nối đà tăng của năm 2020, mặt hàng này đã bứt phá mạnh mẽ ngay từ tháng đầu năm. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 1/2021 đạt 200.000 tấn với giá trị đạt 321 triệu USD, gấp 2,2 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh là các mặt hàng lâm sản chính. Ước giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này trong tháng 1 đạt 1,33 tỷ USD, tăng 47,8%. Riêng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1 năm 2021 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2020 là một năm thành công đối với ngành gỗ Việt Nam. Mặc dù đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhưng trị giá xuất khẩu đồ gỗ chỉ giảm trong tháng 4 và tháng 5/2020; bắt đầu từ tháng 6/2020, xuất khẩu gỗ liên tục tăng mạnh. Sức bật của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước, cùng với các FTA đã có hiệu lực.
Trái ngược với tình trạng giá trị xuất khẩu giảm trong năm 2020, mặt hàng thủy sản đã có sự đảo chiều ngoạn mục với sự tăng trưởng khá mạnh. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1/2021 ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2020 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường nguồn cung đối thủ.
Các doanh nghiệp tôm cố gắng vừa duy trì sản xuất, linh hoạt chuyển hướng thị trường, tận dụng thời cơ, nhờ đó, giá trị xuất khẩu sang một trường lớn tăng trưởng dương khả quan như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Anh.
Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như gạo, rau quả, càphê, tiêu… Với mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1 năm 2021 ước đạt 280.000 tấn với giá trị đạt 154 triệu USD, giảm 29,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 1, giá gạo Việt Nam tăng nhẹ 3 USD/tấn so với cuối tháng 12/2020, lên 503 USD/tấn và duy trì mức này đến hết tháng.
[Campuchia cam kết tuân thủ tự do hóa sau vụ ngừng nhập cá của Việt Nam]
Bên cạnh đó, giá gạo 5% của Ấn Độ có xu hướng tăng nhẹ dần đều trong tháng từ mức 384 USD/tấn lên 388 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo Thái Lan cũng tăng lên nhưng với biên động cao hơn từ mức 513 USD/tấn vào đầu tháng lên 523 USD/tấn vào cuối tháng.
Theo các doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu gạo giảm do nguồn cung trong nước đang yếu. Các doanh nghiệp đang chờ đợi nguồn hàng từ vụ Đông Xuân. Nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng nên tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng có diễn biến tăng trong tháng 1.
Cũng trong tình trạng giá trị xuất khẩu giảm cùng với gạo là rau quả. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 1/2021 ước đạt 260 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo các doanh nghiệp, sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu như trên với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trong tháng 1 chủ yếu vẫn do tình trạng thiếu hụt trầm trọng container rỗng. Những lô hàng nông sản đã xuất đi được trong tháng 1, phải chịu phí vận chuyển rất cao.
Thị trường lạc quan
Tuy tháng đầu tiên của năm 2021 giá trị xuất khẩu gạo giảm nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Trong khi đó, nhập khẩu gạo từ Bangladesh có thể tăng vọt trong niên vụ 2020-2021 so với mức 100.000 tấn của niên vụ trước do nguồn cung hạn chế làm giá nội địa tăng cao.
Với thủy sản, xuất khẩu tôm Việt Nam đang tiếp tục thuận lợi khi nhu cầu trên thế giới vẫn đang tăng lên trong khi nhiều nước sản xuất vẫn đang gặp khó khăn vì COVID-19. Theo các chuyên gia, giá tôm trên thị trường thế giới dự báo sẽ còn tăng trong nửa đầu năm 2021.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Toản cho biết Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn của thế giới. Năm 2021, xuất khẩu tôm có thể tăng 15% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu được thuận lợi hơn.
Các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý các thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế từ các FTA để tăng tính cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm tôm của những đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.
Diễn biến dịch COVID-19 khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam, đặc biệt là khó khăn về việc thay đổi thị hiếu do thay đổi thói quen và thủ tục nhập khẩu siết chặt do dịch bệnh. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng doanh nghiệp cần tăng cường giám sát chất lượng hàng hoá, tránh vi phạm quy định của các nước về tiêu chuẩn, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm để quá trình thông quan không bị ảnh hưởng.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Mỹ trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng.
Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong những tháng năm 2021 chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc những tháng năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.
Hiện nay, vấn đề lớn nhất mà các nhà xuất khẩu phải đối mặt là tình trạng thiếu container. Giá container thậm chí tăng từ 3-4 lần so với bình thường. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng giao hàng trễ, giá sản phẩm sẽ giảm sự cạnh tranh hơn.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group), do cước vận tải quá cao sẽ gây áp lực về giá bán của các doanh nghiệp.
Để thúc đẩy phát triển xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc cấp mã số vùng nuôi, trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý đồng thời xây dựng phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.
Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp./.