Giá vàng giao ngay tuột khỏi mốc 2.000 USD, chạm mức thấp nhất trong hai tháng

Giá vàng giao ngay giảm xuống mức 1.993,29 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 13/12, do báo cáo lạm phát của Mỹ mạnh hơn dự kiến đã làm giảm triển vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Vàng trang sức được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Erbil, Iraq. (Ảnh: THX/TTXVN)
Vàng trang sức được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Erbil, Iraq. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá vàng thế giới đã giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng 2.000 USD/ounce và chạm mức thấp nhất trong hai tháng vào phiên giao dịch ngày 13/2, do báo cáo lạm phát của Mỹ mạnh hơn dự kiến đã làm giảm triển vọng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Cụ thể, cuối phiên này, tại sàn giao dịch COMEX của Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 1,3%, xuống mức 1.993,29 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 13/12. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 1,3%, xuống còn 2007,2 USD/ounce.

Dữ liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho hay, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 1/2024 đã tăng 0,3% so với tháng trước đó và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, do chi phí nhà ở và chăm sóc sức khỏe tăng. Kết quả này cao hơn dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát từ Dow Jones, với mức dự đoán lần lượt là 0,2% và 2,9%.

Ông Tai Wong, nhà phân tích kim loại độc lập có trụ sở tại New York, cho biết: “Đó không phải là báo cáo mà thị trường muốn thấy."

Ông Wong nói thêm: “Các nhà đầu tư thận trọng hơn nhiều khi nhận thấy lạm phát cứng đầu một cách đáng ngạc nhiên, qua đó làm giảm cơ hội Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 5/2024 xuống dưới 50%."

Sau dữ liệu CPI tháng Một, thị trường đặt cược rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể sẽ đợi đến tháng 6/2024 trước khi tiến hành cắt giảm lãi suất. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời.

Cũng sau báo cáo về lạm phát của Bộ Lao động Mỹ, đồng USD tăng 0,7%, lên mức cao nhất trong ba tháng so với các đồng tiền khác, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng trong phiên này.

Các nhà đầu tư hiện hướng sự tập trung vào dữ liệu về doanh số bán lẻ, dự kiến được công bố vào ngày 15/2 tới và số chỉ số giá sản xuất (PPI), dự kiến được công bố vào ngày sau đó.

Thị trường cũng sẽ lắng nghe ý kiến từ hàng loạt quan chức Fed trong tuần này. Một số quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, cho biết tuần trước họ muốn thấy thêm bằng chứng cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục giảm trước khi cắt giảm lãi suất.

Cũng trong phiên 13/2, giá bạch kim giao ngay giảm 1,9%, xuống mức 871,99 USD/ounce, giá palladium giảm 4,1% xuống 855,59 USD/ounce và giá bạc mất 2,8%, xuống còn 22,05 USD/ounce./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Càphê đặc sản của Đắk Lắk đã có mặt ở thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xây dựng càphê đặc sản vươn tầm thế giới

Là thủ phủ càphê Việt Nam, Đắk Lắk đang từng bước xây dựng hệ sinh thái càphê đặc sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh mua vàng trong ngày giá vàng tăng cao. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Giao dịch sôi động trong ngày giá vàng tăng kỷ lục

Theo một chủ tiệm vàng trên địa bàn quận Bình Thạnh, hoạt động mua bán sôi động diễn ra nhiều ngày nay trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục tăng, kéo theo đà tăng của thị trường trong nước.

Rượu vang được bày bán tại cửa hàng ở Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân châu Âu sẽ quay lưng với hàng hóa Mỹ?

Dữ liệu gần đây về thuế quan và quyết định mua sắm của người tiêu dùng EU cho thấy: khi giá một sản phẩm tăng do thuế nhập khẩu cao hơn, người tiêu dùng sẽ tìm đến lựa chọn thay thế rẻ hơn.

Giá hồ tiêu đang tăng lên quanh mức 160.000 đồng/kg. ( Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Hồ tiêu vào vụ, giá cao nhất trong gần 10 năm qua

Giá hồ tiêu đang tăng lên quanh mức 160.000 đồng/kg, cao nhất trong gần 10 năm qua, khiến nông dân phấn khởi, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới được dự báo vẫn tiếp tục cao.