Giá vàng nhẫn tại doanh nghiệp lao dốc mạnh 600.000 đồng

Tính đến thời điểm này giá vàng nhẫn tại các doanh nghiệp đã giảm khoảng 2,5 triệu đồng/lượng so với phiên tăng mạnh nhất, hiện giao dịch ở mức khoảng 68,80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tại doanh nghiệp lao dốc mạnh tới 600.000 đồng. (Ảnh: Vietnam+)
Giá vàng nhẫn tại doanh nghiệp lao dốc mạnh tới 600.000 đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Tính đến 15 giờ 30 chiều nay (18/3), giá vàng nhẫn giảm mạnh và mất mốc 69 triệu đồng/lượng, trong khi đó giá vàng miếng lại có phiên tăng giảm thất thường.

Giá vàng nhẫn của các thương hiệu hôm nay tiếp đà giảm mạnh từ phiên cuối tuần trước, với mức giảm cao nhất tới hơn nửa triệu đồng một lượng.

Vào lúc 15 giờ 30, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long ở mức 67,62-68,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 510.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên giao dịch cuối tuần qua.

Tương tự, giá vàng nhẫn tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI giảm mạnh, mất mốc 69 triệu đồng/lượng.

DOJI niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 ở mức 67,6-68,80 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên giao dịch cuối tuần qua.

Giá vàng nhẫn tại Công ty Phú Quý cũng giảm từ 520.000-600.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán.

Cùng xu hướng, giá vàng nhẫn của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đi xuống. Vàng nhẫn của PNJ tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều nay được mua - bán ở mức giá 67,3-68,5 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với kết tuần qua.

Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng nhẫn hiện ở mức 1,2 triệu đồng mỗi lượng.

Trong tuần qua, thị trường vàng nhẫn đã đạt mức giá kỷ lục 71,38 triệu đồng/lượng vào ngày 11/3, tuy nhiên giảm liên tiếp ở những phiên sau đó.

Sau 2 tuần ghi nhận mức lãi ấn tượng khi giá vàng tăng “phi mã,” nhà đầu tư vàng nhẫn phải đối mặt với sự mất mát trong tuần này khi giá vàng quay đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, sự mất mát cũng là một bài học quý giá cho những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn và dễ bị chi phối bởi tâm lý thị trường.

Với mức giao dịch trên, tính đến thời điểm này giá vàng nhẫn đã giảm khoảng 2,5 triệu đồng/lượng so với phiên tăng mạnh nhất. Trong bối cảnh này, thị trường ghi nhận nhiều giao dịch chốt lời với sản phẩm vàng nhẫn khi tại các cửa hàng, đơn vị kinh doanh vàng, lượng người tới bán nhiều hơn mua, để bảo đảm khoản đầu tư trước đó.

Cũng trong phiên ngày hôm nay, giá vàng miếng SJC có phiên “trồi sụt” liên tục làm thót tim nhà đầu tư.

Theo đó, ngay sau khi mở cửa phiên sáng nay, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Vietnam Gold niêm yết giá mua và bán vàng SJC đã đồng loạt giảm 200.000 đồng/lượng và đến gần 11 giờ trưa nay giảm thêm 500.000 đồng nữa. Tuy nhiên đến chiều nay thương hiệu này lại đảo chiều “lấy lại” 400.000 đồng/lượng, hiện đang giao dịch quanh mức 79,30-81,40 triệu đồng/lượng.

vnp_O96A1550.JPG
Giao dịch vàng tại doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Tương tự, giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, Công ty Doji Hà Nội và Công ty Doji Thành phố Hồ Chí Minh trong phiên sáng nay cũng để mất 500.000 đồng và chiều nay đã lấy lại đươc 400.000 đồng, hiện đang giao dịch quanh mức 79,40-81,30 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng dao động quanh ngưỡng 2.152 USD/ounce, giảm 3 USD so với cùng thời điểm phiên trước. Khi quy đổi, đồng kim loại quý này xấp xỉ 64,53 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 16,87 triệu đồng/lượng còn giá vàng nhẫn SJC đắt hơn 4,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới cũng đang lùi sâu dưới ngưỡng kỷ lục gần 2.200 USD/ounce thiết lập cách đây hơn 1 tuần. Nhà đầu tư trên thị trường vàng quốc tế đang trở nên thận trọng hơn khi tuần này có các cuộc họp chính sách tiền tệ của một loạt ngân hàng trung ương lớn, gồm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).

Tuyên bố từ các cuộc họp này có thể gây biến động tỷ giá giữa các đồng tiền và giá của các tài sản trên toàn cầu. Vàng là một tài sản có độ nhạy cảm đặc biệt lớn với chính sách tiền tệ, bởi vàng không mang lãi suất. Gần đây, triển vọng các ngân hàng trung ương lớn - ngoại trừ BOJ - sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay đã giữ vai trò một động lực đưa giá vàng bứt phá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục