Cái nghề “dạy” tiếng cho chiêng như là một thứ duyên số do Yàng (trời) ban cho và song hành cùng cuộc đời của những người như già làng Y Lon Niê.
Đã không ít lần được gặp gỡ, nhưng lần nào già cũng mang lại cho tôi thêm những điều mới lạ, đầy mê hoặc về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Căn nhà dài Êđê của già làng Y Lon Niê nằm lọt giữa những vila, biệt thự hiện đại sơn màu xanh, vàng, tím… đủ các kiểu dáng ở buôn Kô Sia (phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Vì vậy ngôi nhà vừa mang nét cổ kính, pha chút gì đó hơi thủ cựu.
Chủ nhân ngôi nhà sàn như là "di sản" quý giá hiếm hoi còn sót lại giữa những âm thanh hỗn tạp của cuộc sống hiện đại.
Già Y Lon Niê nói rằng, từ khi lọt lòng mẹ những người Êđê như ông đã sống, lớn lên từng ngày cùng với tiếng chiêng, từng "lời" chiêng như trở thành máu thịt trong con người vậy.
Cái “nghiệp” dạy tiếng cho chiêng đến với ông như là một thứ duyên do Giàng ban tặng, bởi nó đến từ trong tâm năng, tiềm thức.
Những chàng trai Êđê trên mảnh đất Tây Nguyên lớn lên, chơi chiêng như một lẽ tự nhiên, như chính bản năng của họ. Già Y Lon cũng không ngoại lệ. Có khác chăng là từ hồi rất nhỏ ông đã thuộc rất nhiều bài chiêng, biết chơi nhiều thứ nhạc cụ khác của người Êđê.
Ông cũng không nhớ là mình biết chỉnh chiêng từ khi nào, chỉ biết là bắt đầu ngay chính bộ chiêng của nhà ông. Bộ chiêng ấy bị lạc tiếng, nhưng hồi đó trong buôn Kô Sia cũng không ai biết chỉnh chiêng, vậy là Y Lon đưa bộ chiêng ra mày mò, nghiên cứu và lấy lại âm thanh hoàn hảo cho nó.
Bắt đầu từ đó, hễ rảnh rỗi là ông nghiên cứu chiêng, nghe âm thanh của từng chiếc chiêng cho đến khi biết cách chỉnh âm thanh của tất cả các loại chiêng mà ông biết.
Qua tiếng chiêng, lời diễn giải của già Y Lon Niê và cả những bài Ay Ray ông hát, một miền ký ức xa xưa của Tây Nguyên như thước phim quay chậm hiện về. Tiếng chiêng gợi lại những huyền thoại về chàng dũng sỹ Đam San đi bắt Nữ thần mặt trời về làm vợ, ở đó có những ngôi nhà dài, dài hơn một tiếng chiêng ngân, những lễ hội ngày mùa, đâm trâu, pơ thi… rộn rã thủa nào giữa lòng buôn Kô Sia cổ xưa.
Ông nói rằng ở Tây Nguyên, chiêng của các dân tộc Êđê, Ba Na, M’nông, Ja Rai, Xê Đăng, Mạ, Chu Ru… đều có những bản sắc, nét độc đáo, cách diễn xướng riêng. Chính những nét độc đáo, khác biệt đó đã dung hòa và tạo nên một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên độc nhất vô nhị.
Còn những người như già Y Lon có nhiệm vụ giữ cho hồn chiêng không bị lạc điệu. Họ như những nghệ sỹ lãng du qua các buôn làng Tây Nguyên, dùng tài hoa của đôi tay, cảm nhận âm thanh bằng đôi tai để “dạy” tiếng cho chiêng, để cho thứ âm thanh của nguồn cội vang mãi trong các buôn làng Tây Nguyên.
Mỗi bộ chiêng có hàng chục chiếc khác nhau, mỗi dân tộc lại có hàng chục loại chiêng. Dù không hề được đào tạo nhưng những người như già Y Lon Niê nắm rất rõ quy luật âm thanh cho đến cấu trúc của mỗi bộ chiêng để “bắt mạch, chữa bệnh.”
Chẳng hạn như người Êđê có 2 loại chiêng chính là chiêng bằng và chiêng núm, chiêng bằng thì có 3 loại, chiêng núm có 4 loại. Chỉnh chiêng núm là đặc biệt khó bởi chất liệu, cấu trúc âm thanh của chúng thường rất phức tạp.
Nhiều chiếc chiêng quý có pha đồng đen ở núm, rồi cấu trúc vòng âm thanh của mỗi chiếc lại có sự khác nhau… Không có một chuẩn mực nào nhất định, vì vậy những kiến thức, tài năng chỉnh chiêng như là một thứ tặng phẩm đặc biệt do Giàng ban cho một số người, rồi giao nhiệm vụ cho họ lãng du khắp các buôn làng để “dạy tiếng” cho chiêng.
Chơi chiêng và chỉnh chiêng luôn tồn tại cùng nhau, chỉ khác chăng những người chơi chiêng giỏi chưa hẳn đã biết chỉnh chiêng, nhưng những người biết chỉnh chiêng như ông thì lại chơi chiêng rất giỏi, thuộc rất nhiều bài chiêng cổ mang tính kinh điển của các dân tộc Tây Nguyên, họ là một “bảo tàng sống” về nghệ thuật cồng chiêng của Tây Nguyên. Tôi cũng đọc được trong ông nỗi đau đáu, lo lắng về sự mai một của nghệ thuật cồng chiêng.
Cuộc sống hiện đại với nhiều thứ văn hóa du nhập, lối sống xô bồ đang làm cho những người trẻ tuổi xa dần với văn hóa truyền thống. Ngay những người con của ông cũng không thiết tha với cái nghề chỉnh chiêng của ông. Đứa thích chơi chiêng thì gõ chiêng như đánh trống, đứa có năng khiếu thì không đam mê về chiêng.
Ánh chiều tà len qua các khe hở của vách nhà, soi dáng ông đổ dài, đơn độc trên chiếc ghế K’pan. Bất chợt ông im lặng, tư lự với chính tâm sự vừa nói ra. Đã sống qua hơn 70 mùa rẫy, hơn 1/2 thế kỷ với nghiệp chỉnh chiêng, có lẽ với những cảm xúc vừa giãi bày khiến ông bất chợt cảm thấy cô đơn!
Rồi cũng rất bất ngờ, dăm bảy đứa trẻ lem luốc từ dưới cầu ào lên vây quanh ông nói cười ríu rít. Trên tay chúng là những chiếc Chinh Kram bé xíu (một loại chiêng tre của người Êđê). Chúng đến để “bắt” ông tập cho điệu chiêng mới. Trong phút chốc ông lại như được hồi sinh, say mê hướng dẫn cách chơi chiêng cho đám trẻ./.
Đã không ít lần được gặp gỡ, nhưng lần nào già cũng mang lại cho tôi thêm những điều mới lạ, đầy mê hoặc về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Căn nhà dài Êđê của già làng Y Lon Niê nằm lọt giữa những vila, biệt thự hiện đại sơn màu xanh, vàng, tím… đủ các kiểu dáng ở buôn Kô Sia (phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Vì vậy ngôi nhà vừa mang nét cổ kính, pha chút gì đó hơi thủ cựu.
Chủ nhân ngôi nhà sàn như là "di sản" quý giá hiếm hoi còn sót lại giữa những âm thanh hỗn tạp của cuộc sống hiện đại.
Già Y Lon Niê nói rằng, từ khi lọt lòng mẹ những người Êđê như ông đã sống, lớn lên từng ngày cùng với tiếng chiêng, từng "lời" chiêng như trở thành máu thịt trong con người vậy.
Cái “nghiệp” dạy tiếng cho chiêng đến với ông như là một thứ duyên do Giàng ban tặng, bởi nó đến từ trong tâm năng, tiềm thức.
Những chàng trai Êđê trên mảnh đất Tây Nguyên lớn lên, chơi chiêng như một lẽ tự nhiên, như chính bản năng của họ. Già Y Lon cũng không ngoại lệ. Có khác chăng là từ hồi rất nhỏ ông đã thuộc rất nhiều bài chiêng, biết chơi nhiều thứ nhạc cụ khác của người Êđê.
Ông cũng không nhớ là mình biết chỉnh chiêng từ khi nào, chỉ biết là bắt đầu ngay chính bộ chiêng của nhà ông. Bộ chiêng ấy bị lạc tiếng, nhưng hồi đó trong buôn Kô Sia cũng không ai biết chỉnh chiêng, vậy là Y Lon đưa bộ chiêng ra mày mò, nghiên cứu và lấy lại âm thanh hoàn hảo cho nó.
Bắt đầu từ đó, hễ rảnh rỗi là ông nghiên cứu chiêng, nghe âm thanh của từng chiếc chiêng cho đến khi biết cách chỉnh âm thanh của tất cả các loại chiêng mà ông biết.
Qua tiếng chiêng, lời diễn giải của già Y Lon Niê và cả những bài Ay Ray ông hát, một miền ký ức xa xưa của Tây Nguyên như thước phim quay chậm hiện về. Tiếng chiêng gợi lại những huyền thoại về chàng dũng sỹ Đam San đi bắt Nữ thần mặt trời về làm vợ, ở đó có những ngôi nhà dài, dài hơn một tiếng chiêng ngân, những lễ hội ngày mùa, đâm trâu, pơ thi… rộn rã thủa nào giữa lòng buôn Kô Sia cổ xưa.
Ông nói rằng ở Tây Nguyên, chiêng của các dân tộc Êđê, Ba Na, M’nông, Ja Rai, Xê Đăng, Mạ, Chu Ru… đều có những bản sắc, nét độc đáo, cách diễn xướng riêng. Chính những nét độc đáo, khác biệt đó đã dung hòa và tạo nên một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên độc nhất vô nhị.
Còn những người như già Y Lon có nhiệm vụ giữ cho hồn chiêng không bị lạc điệu. Họ như những nghệ sỹ lãng du qua các buôn làng Tây Nguyên, dùng tài hoa của đôi tay, cảm nhận âm thanh bằng đôi tai để “dạy” tiếng cho chiêng, để cho thứ âm thanh của nguồn cội vang mãi trong các buôn làng Tây Nguyên.
Mỗi bộ chiêng có hàng chục chiếc khác nhau, mỗi dân tộc lại có hàng chục loại chiêng. Dù không hề được đào tạo nhưng những người như già Y Lon Niê nắm rất rõ quy luật âm thanh cho đến cấu trúc của mỗi bộ chiêng để “bắt mạch, chữa bệnh.”
Chẳng hạn như người Êđê có 2 loại chiêng chính là chiêng bằng và chiêng núm, chiêng bằng thì có 3 loại, chiêng núm có 4 loại. Chỉnh chiêng núm là đặc biệt khó bởi chất liệu, cấu trúc âm thanh của chúng thường rất phức tạp.
Nhiều chiếc chiêng quý có pha đồng đen ở núm, rồi cấu trúc vòng âm thanh của mỗi chiếc lại có sự khác nhau… Không có một chuẩn mực nào nhất định, vì vậy những kiến thức, tài năng chỉnh chiêng như là một thứ tặng phẩm đặc biệt do Giàng ban cho một số người, rồi giao nhiệm vụ cho họ lãng du khắp các buôn làng để “dạy tiếng” cho chiêng.
Chơi chiêng và chỉnh chiêng luôn tồn tại cùng nhau, chỉ khác chăng những người chơi chiêng giỏi chưa hẳn đã biết chỉnh chiêng, nhưng những người biết chỉnh chiêng như ông thì lại chơi chiêng rất giỏi, thuộc rất nhiều bài chiêng cổ mang tính kinh điển của các dân tộc Tây Nguyên, họ là một “bảo tàng sống” về nghệ thuật cồng chiêng của Tây Nguyên. Tôi cũng đọc được trong ông nỗi đau đáu, lo lắng về sự mai một của nghệ thuật cồng chiêng.
Cuộc sống hiện đại với nhiều thứ văn hóa du nhập, lối sống xô bồ đang làm cho những người trẻ tuổi xa dần với văn hóa truyền thống. Ngay những người con của ông cũng không thiết tha với cái nghề chỉnh chiêng của ông. Đứa thích chơi chiêng thì gõ chiêng như đánh trống, đứa có năng khiếu thì không đam mê về chiêng.
Ánh chiều tà len qua các khe hở của vách nhà, soi dáng ông đổ dài, đơn độc trên chiếc ghế K’pan. Bất chợt ông im lặng, tư lự với chính tâm sự vừa nói ra. Đã sống qua hơn 70 mùa rẫy, hơn 1/2 thế kỷ với nghiệp chỉnh chiêng, có lẽ với những cảm xúc vừa giãi bày khiến ông bất chợt cảm thấy cô đơn!
Rồi cũng rất bất ngờ, dăm bảy đứa trẻ lem luốc từ dưới cầu ào lên vây quanh ông nói cười ríu rít. Trên tay chúng là những chiếc Chinh Kram bé xíu (một loại chiêng tre của người Êđê). Chúng đến để “bắt” ông tập cho điệu chiêng mới. Trong phút chốc ông lại như được hồi sinh, say mê hướng dẫn cách chơi chiêng cho đám trẻ./.
Việt Dũng (TTXVN/Vietnam+)