Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn chậm là nỗi băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội được nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghiệp cũng như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 7/6.
Vẫn còn nhiều rào cản
Trả lời câu hỏi của các đại biểu quốc hội về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết đã kết hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các biện pháp về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là công nghệ cao để làm thế nào để có ứng dụng, đạt hiệu quả cao nhất cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cho đến thời điểm hiện tại rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia các chương trình này, ứng dụng nhiều công nghệ cao trong việc phục vụ phát triển nông nghiệp. Ví dụ như Tập đoàn Lộc Trời sản xuất gạo; Tập đoàn TH true Milk sản xuất sữa; DABACO về chăn nuôi; Nafoot trồng, chế biến trái cây...
Ngoài ra, hiện nay có khoảng 290 doanh nghiệp công nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao. Khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 70% đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Đó là những thành tựu của công nghệ cao ứng dụng vào nông nghiệp.
“Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD, so với giá trị năm 2000 là 41,25 tỷ USD. Đây là thành tựu chung của ngành nông nghiệp của đất nước chúng ta, trong đó có một phần đóng góp của khoa học, công nghệ và công nghệ cao,” Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định.
Về tồn tại và nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực, tiếp cận nguồn vốn cũng còn khó khăn... cần được quan tâm, tháo gỡ.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi đó hiện nay vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro như bảo hiểm nông nghiệp, Quỹ đầu tư bảo hiểm công nghệ cao...
“Giải pháp sắp tới là chúng ta phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên. Tôi đề nghị các địa phương có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có trách nhiệm trong việc đảm bảo các khu này phát triển một cách đúng mục tiêu, đúng định hướng,” Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói.
Nhấn mạnh việc cần triển khai đồng bộ tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ về khoa học, công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia cho lĩnh vực này; trong đó có chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình phát triển công nghệ cao...
Cần hiểu đúng về khu nông nghiệp công nghệ cao
Về vấn đề xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã cơ bản hoàn thành dự thảo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP về quy chế khu công nghệ cao (sửa đổi), trong đó bổ sung các quy định về khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đồng thời có những chính sách, cơ chế rất đặc thù cho lĩnh vực này.
“Dự thảo nghị định sửa đổi đã được xây dựng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Chúng tôi rất hy vọng nghị định này sẽ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, góp phần vào việc phát triển các khu công nghệ cao, trong đó có các khu nông nghiệp công nghệ cao,” Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
“Chia lửa” khi trả lời chất vấn về vấn đề xây dựng các khu nông nghiệp nông nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết đến nay, Thủ tướng phê duyệt 6 khu nông nghiệp công nghệ cao. Khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên cách đây 11 năm của Hậu Giang với 5.200 hecta, tới bây giờ vẫn còn là một cánh đồng, chưa triển khai hiệu quả; 5 khu nông nghiệp còn lại có tổng quy mô khoảng 7.000 hecta.
[Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không cần phải có cánh đồng lớn]
Nhấn mạnh cần phải hiểu đúng thế nào là khu nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Chúng ta có lẽ đang nhầm lẫn giữa một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với một khu công nghiệp. Đa phần chúng ta vẫn quy hoạch rồi kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư..., cộng thêm một chút tự động hóa. Tôi không nghĩ như vậy đúng bản chất trong quyết định về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.”
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khu nông nghiệp công nghệ cao phải là nơi nghiên cứu, thực nghiệm và lan tỏa những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần là một nơi sản xuất. Từ những thành quả nghiên cứu, thực nghiệm kết quả rồi mới đưa ra vùng nông nghiệp hay chuyển giao cho bà con nông dân ở từng mức độ.
Khẳng định có nhiều hướng đi để tiếp cận nền nông nghiệp giá trị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Muốn tối ưu hóa hiệu quả trên một đơn vị diện tích thì công nghệ sẽ góp phần rất lớn. Chúng ta đã có những nghiên cứu của người nông dân, những 'nhà khoa học chân đất' và nếu được kết hợp với những nghiên cứu của viện, trường thì sẽ giải được 'bài toán' phủ tri thức, phủ khoa học công nghệ trên những cánh đồng, trên những bờ ao của bà con nông dân”./.