Giải mã dự án "treo": Hà Nội cần xử lý triệt để vi phạm

Đứng trước thực trạng báo động về dự án treo, nguy cơ thất thoát nguồn lực từ đất đai hiện hữu đòi hỏi Hà Nội cần phải vào cuộc để xử lý triệt để vi phạm, khắc phục những tồn tại, bất cập về quản lý.
Giải mã dự án "treo": Hà Nội cần xử lý triệt để vi phạm ảnh 1Dự án AIC nằm trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội, sau hơn 10 năm triển khai vẫn chỉ là khu đất hoang, cỏ mọc um tùm và rác thải đổ bừa bãi. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Luật Đất đai năm 2013 quy định, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo.

Quy định là vậy, song trên thực tế, nhiều dự án đã quá hạn, không triển khai tới hàng chục năm nhưng vẫn chưa bị thu hồi hay xử lý nghiêm; thậm chí có dự án “treo” vẫn tiếp tục được gia hạn không chỉ một lần mà còn nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đứng trước thực trạng báo động này, nguy cơ thất thoát nguồn lực từ đất đai hiện hữu đòi hỏi thành phố Hà Nội cần phải vào cuộc để xử lý triệt để vi phạm, khắc phục những tồn tại, bất cập về quản lý.

Siết" kỷ cương, "buộc" trách nhiệm

Mặc dù các sở, ngành đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tăng cường quản lý, xử lý các vi phạm đối với những dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, song, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vẫn nhấn mạnh kết quả thực hiện không đạt được như mong muốn, còn phát sinh thêm nhiều dự án vi phạm mới đòi hỏi các cấp ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao.

Với nhóm 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phải rà soát cập nhật đầy đủ thông tin; đề xuất thời hạn giải quyết các thủ tục liên quan và có phương án xử lý dứt điểm đối với từng dự án. Đồng thời, nhanh chóng hoàn hành xây dựng hệ thống thông tin quản lý các dự án ngoài ngân sách để xây dựng quy chế đánh giá dự án đầu tư, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Đối với 324 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tính đến tháng 4/2021, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội rà soát, cập nhật thông tin thông số của từng dự án; trong đó, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan và biện pháp xử lý. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẩn trương hoàn thành dự án đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của thành phố.

[Hà Nội: Vi phạm hành chính về đất đai có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng]

Trên cơ sở rà soát tổng thể và ý kiến cụ thể của Sở Tài chính Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội về năng lực tài chính của từng chủ đầu tư và danh mục dự án chậm, nợ đọng tiền sử dụng đất, thành phố phải thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của từng dự án đầu tư; trên cơ sở hồ sơ cụ thể, kiến nghị biện pháp xử lý dứt điểm với các dự án vi phạm luật đất đai, nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài. Cùng đó, quan tâm giải quyết các đề nghị của cơ quan thuế đối với các hồ sơ có vướng mắc trong quá trình xác định nghĩa vụ tài chính, xác định số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được khấu trừ (nếu có) của các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cũng cần tăng cường việc quản lý thực hiện dự án theo quy hoạch và rà soát tiến độ điều chỉnh quy hoạch đối với từng dự án. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của sở, địa phương và nhà đầu tư đối với từng trường hợp vi phạm, chậm điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu; có biện pháp ngăn chặn việc lợi dụng đề xuất điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai của dự án.

Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý một số sở, ngành quan trọng như Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư phải nâng cao trách nhiệm, tránh tình trạng đùn đẩy khi có các dự án chậm triển khai; cần tích cực vào cuộc, thể hiện rõ thái độ, quan điểm với từng dự án.

“Các sở, ngành phải phối hợp đề xuất giải pháp giải quyết cụ thể, thể hiện rõ thái độ, quan điểm với từng dự án. Có như vậy, công việc chung mới được giải quyết,” Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Cùng với những chỉ đạo quyết liệt đối với các sở, ngành, địa phương trong việc xử lý các dự án chây ỳ, không hợp tác, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chủ đầu tư cần có ý thức, trách nhiệm trong kinh doanh, thực hiện dự án; phối hợp với chính quyền các cấp trong giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan.

Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư, trách nhiệm kiểm tra dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành với những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nói chung và các dự án có sử dụng đất nói riêng.

Giải mã dự án "treo": Hà Nội cần xử lý triệt để vi phạm ảnh 2

Mê Linh là 1 trong những địa phương có số dự án "treo" lớn nhất của Hà Nội cần sớm được xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Đối với Ủy ban Nhân dân thành phố, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị đặc biệt quan tâm, xử lý ngay đối với kiến nghị về nhóm 4 dự án Đoàn giám sát yêu cầu gửi hồ sơ để rà soát; xem xét việc thành lập tổ công tác liên ngành đôn đốc, đề xuất xử lý vướng mắc với từng dự án cụ thể; xây dựng quy định phân công rõ người, rõ trách nhiệm trong việc đôn đốc, giám sát dự án đầu tư có sử dụng đất.

Song song với các biện pháp quyết liệt trên, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai đồng thời với sửa đổi các quy định liên quan của Luật khác về một số lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, thanh tra.... để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Đồng thời, thành phố Hà Nội đề nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động thanh tra, đôn đốc, xử lý sau thanh tra. Thành phố cũng đề nghị có quy định về cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, xây dựng hệ thống mạng thông tin quản lý thanh tra, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, thống nhất hệ thống mạng thông tin quản lý thanh tra từ khi thanh tra, đến khi thực hiện xong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra từ Trung ương đến địa phương...

Loại bỏ dự án "treo"

Để loại bỏ những dự án "treo," vi phạm Luật Đất đai, nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, giải pháp xử lý bằng công cụ thuế, đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo,” lũy tiến theo thời gian bị “treo” hoặc xử phạt tài chính mạnh đối với các dự án “treo” cũng lũy tiến theo thời gian bị “treo” là phù hợp hơn cả.

Từ đó, ngân sách thu được thêm, nhà đầu tư dự án bị “treo” tự “xót tiền” mà chủ động chuyển nhượng dự án cho người khác. Theo giải pháp này, việc xử lý các dự án “treo” sẽ dễ dàng và thuận lợi, không thể ùn tắc theo thời gian.

Giải mã dự án "treo": Hà Nội cần xử lý triệt để vi phạm ảnh 3Hiện trường một buổi thu hồi đất ở Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Mặt khác, chính quyền Hà Nội cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương đối với chủ đầu tư chậm triển khai dự án, tránh tình trạng đùn đẩy, “né” trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý dự án; trong đó đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và có hình thức xử lý nghiêm các chủ đầu tư “ôm” đất không triển khai các hạng mục, cố tình "nhập nhèm" để trục lợi... Có như vậy mới nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cũng cho rằng, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Với những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp xử lý thu hồi để không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần hoàn thiện quy định cụ thể về quy trình tiếp cận đất đai của dự án đầu tư, khi nào thì đấu giá đất và khi nào thì đấu thầu dự án có sử dụng đất trên nguyên tắc loại bỏ được hết các tiêu cực có thể xảy ra.

Trả lời chất vấn ngày 9/12 tại Kỳ họp thứ 3, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể các dự án với tinh thần tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, quan trọng nhất là đưa đất vào sử dụng.

Nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi. Còn liên quan đến giải phóng mặt bằng, đất dịch vụ, các địa phương cần báo cáo thành phố để sớm có phương án giải quyết. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố sẽ báo cáo trung ương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, ông Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Xóa dự án “treo,” dành cơ hội cho nhà đầu tư có năng lực, ổn định cuộc sống của người dân đang là mục tiêu, là quyết tâm mới của chính quyền Thủ đô, đặc biệt là trước hàng loạt những dự án trọng điểm phát triển thành phố vệ tinh Hòa Lạc liên tiếp được đăng ký gần đây. Kêu gọi đầu tư phải đi đôi với đánh giá đúng năng lực và thường xuyên giám sát. Hà Nội “trải thảm” nhưng nhà đầu tư cũng cần “làm hết sức mình” để dự án sớm hiện hữu cùng chung tay phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục