Giải mã dự án "treo" ở Hà Nội: Hệ lụy phát triển kinh tế-xã hội

Nhiều dự án tại Hà Nội tuy đã được phê duyệt quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bàn giao "đất sạch" nhưng chậm triển khai đang làm lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân.
Giải mã dự án "treo" ở Hà Nội: Hệ lụy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Dự án AIC nằm trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội, sau hơn 10 năm triển khai vẫn chỉ là khu đất hoang, cỏ mọc um tùm và rác thải đổ bừa bãi. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Xúc tiến, thu hút đầu tư ngoài ngân sách và triển khai các dự án đầu tư công được thành phố Hà Nội quan tâm, thực hiện ở nhiều lĩnh vực, giúp bộ mặt đô thị thêm khang trang, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, nhiều dự án tuy đã được phê duyệt quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bàn giao "đất sạch" nhưng chậm triển khai đang làm lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân.

Qua rất nhiều lần Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội giám sát, tái giám sát và chất vấn, kết quả thực hiện vẫn chuyển biến chưa nhiều. Vì vậy, đã đến lúc việc thúc đẩy tiến độ, kiên quyết thu hồi các dự án “treo,” vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai cần được các cấp, các ngành và thành phố Hà Nội vào cuộc khẩn trương nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ngổn ngang dự án "treo"

Câu chuyện quản lý đất đai, xử lý dự án chậm triển khai (gọi tắt là dự án "treo") mặc dù được lãnh đạo thành phố Hà Nội coi trọng, chỉ đạo sát sao, được nhân dân và cử tri Thủ đô quan tâm; Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành cả Nghị quyết đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm như cảnh báo công bố công khai, thu hồi, không giao dự án mới…, nhưng rồi “đâu vẫn vào đấy.”

Hàng trăm dự án "treo" mãi không "hạ," thậm chí có những dự án "treo" hàng chục năm gây bức xúc trong dư luận, kéo lùi phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Báo cáo số 20/BC-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 28/7/2021 chỉ rõ, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố về kết quả giám sát các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai và gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của hội đồng nhân dân thành phố, kết luận phiên giải trình của Thường trực hội đồng nhân dân thành phố, đến nay, nhiều dự án trên địa bàn Thủ đô vi phạm Luật Đất đai không những tồn tại từ thời điểm trước giám sát năm 2018 chưa được xử lý mà còn phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay.

Cụ thể, nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; trong đó, có 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo ủy ban nhân dân thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các Luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.

[Khắc phục tình trạng dự án treo, chậm tiến độ gây lãng phí ngân sách]

Đối với nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai đến thời điểm tháng 5/2021, có 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...; 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của hội đồng nhân dân thành phố năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ.

Đáng chú ý, trong số 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, đến nay vẫn còn 38 dự án nợ đọng tiền sử dụng đất lên tới gần 3.800 tỷ đồng.

Không khó để “điểm mặt” hàng loạt dự án đang “nằm trên giấy,” vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Hà Nội tập trung nhiều ở các quận, huyện như Mê Linh, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm…

Điển hình tại huyện Mê Linh có tới 60 dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai; trong đó, có 47 dự án đô thị và 13 dự án khác với tổng diện tích khoảng 2.140ha. Có thể liệt kê hàng loạt dự án có quy mô lớn bị bỏ hoang, chưa thực sự khởi động xây dựng sau hơn 10 năm được giao đất như Cienco5, Diamond Park, Tiền Phong, AIC, Minh Giang-Đầm Và…

Tương tự, quận Nam Từ Liêm cũng là địa phương có nhiều dự án “treo” với 48 dự án được rà soát thanh kiểm tra và yêu cầu xử lý từ năm 2018 nhưng đến nay Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới ban hành quyết định thu hồi 1 dự án (Khu dịch vụ đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hòa và Văn phòng làm việc tại phường Mễ Trì); 3 dự án được gia hạn sử dụng đất 24 tháng; 7 dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng còn vướng mắc; 20 dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý.

Tại quận Bắc Từ Liêm, kiểm tra thực tế cho thấy, về cơ bản các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách đều triển khai chậm, kéo dài nhiều năm.

Có một số dự nằm ở vị trí “đắc địa” nhưng chưa triển khai thực hiện, tiếp tục được gia hạn, kéo dài; 5 dự án chưa được giao đất; 8 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 2 dự án đã thu hồi đất nhưng chưa đề xuất phương án xử lý; 3 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền khoảng 228,6 tỷ đồng. Riêng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 4 Vạn Xuân nợ hơn 200 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất và tiền chậm nộp từ nhiều năm.

Khổ vì dự án "treo"

Có một thực tế ở Hà Nội, quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi thì eo hẹp, trong khi diện tích đất để hoang hóa lại lên đến hàng triệu mét vuông. Đặc biệt hơn, hàng nghìn người dân sống trong khu vực bị thu hồi đất để thực hiện dự án vẫn ngày đêm mong ngóng, đề nghị chính quyền địa phương sớm đưa ra câu trả lời về việc có tiếp tục thực hiện các dự án “treo” hay không. Nếu thu hồi, thành phố cần khẩn trương giải quyết để các hộ dân này được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà ở ổn định cuộc sống.

Giải mã dự án "treo" ở Hà Nội: Hệ lụy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2 Hàng loạt dự án có quy mô lớn trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) bị bỏ hoang, chưa thực sự khởi động xây dựng sau hơn 10 năm được giao đất, gây lãng phí tài nguyên đất đai. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Chẳng hạn như siêu dự án với quy mô trên 1.000ha, tổng mức đầu tư cũng cả tỷ USD như Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc nhưng sau gần 20 năm triển khai mới chỉ hoàn thành được khoảng 10% so với kế hoạch. Trong khi đó, người dân phải nhường đất cho dự án đang sống mòn hàng chục năm trong những căn nhà tạm bợ, xập xệ.

Dự án liên tục lâm vào cảnh bế tắc, kẹt vốn, rồi đội vốn, không giải phóng được mặt bằng. Các hạng mục thi công xuống cấp trầm trọng; khu đất tái định cư được bố trí cho những hộ dân thuộc diện di dời đều ngưng trệ... Việc chậm trễ đến gần 20 năm của dự án Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khiến cho việc di dời các trường đại học thành viên của trường này gặp nhiều trở ngại.

Cùng cảnh ngộ, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) cũng nằm im sau 17 năm được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ký Quyết định thu hồi hơn 35ha đất giao Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) làm chủ đầu tư.

Ghi nhận tại hiện trường, khu đô thị này vẫn chỉ là bãi hoang hóa đầy rác và không ít diện tích sử dụng sai mục đích. Nhiều người dân bức xúc, thậm chí phải chuyển nơi ở vì ô nhiễm môi trường rác thải, hạ tầng xuống cấp, không đáp ứng được điều kiện sinh sống.

Có thể nói, tình trạng dự án “treo” có tác động xã hội khá mạnh. Tại không ít địa phương, người dân bị thu hồi đất đã làm đơn khiếu nại đòi lại đất cũ vì việc thu hồi đất không đúng với những gì chính quyền và chủ đầu tư cam kết với dân. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư có tiềm năng không thể có được đất, nhưng những nhà đầu tư năng lực yếu lại dễ dàng có đất rồi để hoang.

Nỗi khổ, bức xúc của người dân cũng như những hệ lụy tiêu cực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội từ hàng trăm dự án “treo” đã được thành phố Hà Nội xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và chủ đầu tư nhưng kết quả khắc phục vẫn chưa chuyển biến nhiều.

Với muôn vàn lý do khách quan và chủ quan, nếu Hà Nội không thực sự quyết liệt, kiên quyết xử lý sai phạm thì nhiệm vụ giải quyết dự án “treo” vẫn như “con đường chưa lối thoát.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục