Giải mã về "Đội quân ma" khiến trùm phátxít Đức Hitler bị đánh lừa

Bằng cách sử dụng các mô hình bơm hơi cùng những đạo cụ, hiệu ứng âm thanh, "Đội quân ma" khiến trùm phátxít Đức Hitler bị đánh lừa hoàn toàn về vị trí và quy mô lực lượng quân Đồng minh.

Các binh sỹ khiêng mô hình xe tăng bơm hơi được sử dụng để đánh lừa quân Đức. (Nguồn: Stringer)
Các binh sỹ khiêng mô hình xe tăng bơm hơi được sử dụng để đánh lừa quân Đức. (Nguồn: Stringer)

Nhiều tuần sau khi quân Đồng minh thực hiện đổ bộ vào bãi biển Normandy, các binh sỹ trẻ trong lực lượng đặc biệt thuộc Bộ chỉ huy số 23 của Mỹ đã phải đối mặt với hỏa lực dữ dội từ quân Đức trong ngày D-Day khi họ lội vào bờ.

Nỗi sợ hãi bao phủ tâm trí những người lính này cùng với hy vọng rằng họ sẽ không phải chiến đấu. Suy cho cùng, nhiệm vụ của họ không phải là tiêu diệt quân Đức Quốc xã mà là đánh lừa đối phương.

Được trang bị các hiệu ứng âm thanh, trang phục, kịch bản và đạo cụ, Đội quân đặc biệt của Bộ chỉ huy số 23 cùng Đại đội Tín hiệu Đặc biệt 3133 đã sử dụng các “kỹ xảo sân khấu” xứng tầm Hollywood để đánh lừa quân Đức về vị trí và quy mô của lực lượng Đồng minh.

Đội quân gồm 1.100 kỹ thuật viên âm thanh, phát thanh viên, nhà thiết kế trang phục, nghệ sỹ, diễn viên và nhà thiết kế sân khấu được gọi một cách không chính thức là “Đội quân ma” đã đóng giả thành một lực lượng chiến đấu của Đồng minh với quy mô lớn hơn 30 lần thực tế.

Hoạt động cách tiền tuyến gần 400m, “Đội quân ma” được ghi nhận là đã cứu sống hàng chục nghìn lính Mỹ bằng cách đánh lừa kẻ thù trong hơn 20 chiến dịch “tung hỏa mù.”

Những đòn nghi binh phức tạp trong Chiến dịch Fortitude đã thuyết phục trùm phát xít Hitler cùng Bộ chỉ huy quân đội Đức rằng cuộc đổ bộ D-Day của quân Đồng minh sẽ diễn ra tại Calais chứ không phải Normandy - cách đó 250km.

Rick Beyer, đồng tác giả cuốn “Đội quân ma của Thế chiến thứ hai” đồng thời là nhà sản xuất và đạo diễn bộ phim tài liệu về lực lượng này, đánh giá “Đội quân ma” là đơn vị nghi binh chiến thuật, đa phương tiện, di động đầu tiên trong lịch sử chiến tranh.

Họ có khả năng đánh lạc hướng đối phương bằng các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, đài phát thanh và các hiệu ứng đặc biệt khác và về cơ bản như một vũ khí của người chỉ huy chiến trường để đánh lừa đối phương.

Được tuyển mộ từ các công ty quảng cáo, truyền thông và trường nghệ thuật qua những thông báo với ngôn từ mơ hồ nhằm tham gia vào các đơn vị ngụy trang không làm nhiệm vụ chiến đấu, “Đội quân ma” đã đánh lừa quân Đức về vị trí của Tập đoàn quân số 3 của Tướng George S. Patton Jr. khi họ tiến về phía Đông qua nước Pháp vào mùa Hè năm 1944.

doi quan ma 2.jpg
Hệ thống loa phóng thanh gắn trên xe thiết giáp để phát âm thanh mô phỏng hoạt động của quân Đồng minh. (Nguồn: Dự án Di sản Đội quân ma)

Người Mỹ đã đánh lừa Đức Quốc xã bằng cách triển khai các đội xe tăng, xe tải và máy bay bằng mô hình cao su bơm hơi, đồng thời đánh lừa “đôi tai” của quân Đức bằng cách phát sóng những cuộc trò chuyện giả trên radio và phát các bản ghi âm về những cuộc tập trận quân sự từ loa phóng thanh.

Những hoạt động ngày càng tinh vi hơn khi các diễn viên mặc quân phục có phù hiệu của các đơn vị khác nhau để đóng giả các sỹ quan và đọc các kịch bản được biên đạo trong các sở chỉ huy giả.

Khi tướng Patton nhận thấy phòng tuyến của mình mỏng đến mức nguy hiểm dọc theo sông Moselle vào tháng 9/1944, “Đội quân ma” đã được điều tới từ Paris và cầm chân quân Đức trong một tuần bằng cách đóng giả là Sư đoàn Thiết giáp số 6.

Trong màn trình diễn “bom tấn” cuối cùng, “Đội quân ma” đã đóng giả hai sư đoàn của Tập đoàn quân số 9 - một lực lượng gồm 40.000 người - chuẩn bị thực hiện cuộc vượt sông Rhine đầy khó khăn vào tháng 3/1945.

Di chuyển như những bóng ma dưới tấm áo choàng bóng tối, đội quân đặc biệt này đã đánh lạc hướng quân Đức khi nghi binh tấn công vào vị trí cách 16km về phía Nam so với vị trí tấn công dự định.

Họ đã bơm phồng 200 mô hình xe tải và xe tăng cao su làm mồi nhử, phát âm thanh ầm ĩ của xe cộ, tiếng búa và thậm chí cả tiếng chửi thề của binh lính.

Họ cũng phát đi những mệnh lệnh giả để mô phỏng việc di chuyển ra mặt trận và đóng giả làm tướng lĩnh, chỉ huy khi tung ra thông tin sai lệch để gián điệp Đức tình cờ nghe được trong các quán bar, quán càphê địa phương.

doi quan ma 1.jpeg
Mô hình xe tăng bơm hơi được sử dụng để đánh lừa quân Đức. (Nguồn: Bảo tàng Chiến tranh Thế giới thứ hai)

Khi quân Đức di chuyển lực lượng phòng thủ và pháo kích vào lực lượng giả, Tập đoàn quân số 9 đã không gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ quân Đức khi tiến hành vượt sông Rhine với thương vong tối thiểu.

Một báo cáo của Quân đội Mỹ ghi nhận “Đội quân ma” đã gián tiếp cứu mạng của 15.000 đến 30.000 binh lính, nhưng câu chuyện về lực lượng đặc biệt này vẫn được giữ bí mật cho đến năm 1996.

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, những thành viên của đội quân đặc biệt này đã trở về nhà để tiếp tục cuộc sống bình thường. Trong nhiều thập kỷ, họ đã giữ bí mật về chiến tích của mình phòng trường hợp cần sử dụng thủ đoạn tương tự trong Chiến tranh Lạnh.

Phải đến năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật cho phép trao Huân chương Vàng - vinh dự cao quý nhất của Quốc hội Mỹ - cho “Đội quân ma.”

Vào ngày 21/3, Quốc hội Mỹ sẽ chính thức tổ chức buổi lễ để trao phần thưởng cao quý nhất cho những “nhà ảo thuật bậc thầy” này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục