Giải nhiệt những vấn đề "nóng" trong công nhân lao động

Các nội dung nhu cầu về nhà ở, chính sách bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề là những vấn đề "nóng," cấp thiết sẽ tiếp tục được giải quyết trong thời gian tới.
Giải nhiệt những vấn đề "nóng" trong công nhân lao động ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân lao động năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Những thắc mắc, trăn trở của người lao động trên cả nước đã được Thủ tướng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành giải đáp trong Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức.

Các nội dung nhu cầu về nhà ở, chính sách bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề là những vấn đề "nóng," cấp thiết sẽ tiếp tục được giải quyết trong thời gian tới.

Dành quỹ đất đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Tại đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo với công nhân là Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo Nghị định, từ ngày 1/7 tới, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với hiện hành. Lương tối thiểu lần lượt vùng 1 là 4,68 triệu; vùng 2 là 4,16 triệu, vùng 3 là 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng. Mức lương tối thiểu tháng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận và trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp không được áp dụng thấp hơn mức này.

Đây là thông tin rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến người lao động trên cả nước sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc tăng lương tối thiểu vùng trong thời điểm này không chỉ góp phần ổn định đời sống của công nhân, mà còn tạo thêm động lực để người lao động tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững…

Bên cạnh tăng lương, một trong những nội dung được công nhân quan tâm nhất là vấn đề về nhà ở và việc hỗ trợ tiền thuê nhà. Công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy (Công ty TOTO Việt Nam, Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp để giảm thiểu những khó khăn trong cuộc sống. Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng của đại đa số công nhân trên cả nước khi phải đi làm xa nhà, thu nhập thấp…

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: Vấn đề nhà ở cho công nhân luôn được tổ chức Công đoàn "đau đáu" từ nhiều năm nay. Quá trình thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" cho thấy có nhiều điểm vướng mắc do quy định giao đất sạch có giải phóng mặt bằng để làm nhà ở xã hội nhưng sẽ phải đấu thầu mà giá đấu thầu như thế nào lại liên quan Luật Đất đai. Bên cạnh đó, việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất khó, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như nhà nước vì vướng Luật Đầu tư công.

[Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động] 

Giải đáp về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Thủ tướng đã rất quan tâm thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, con số này mới đáp ứng được 40% nhu cầu nhà ở của công nhân trên cả nước.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết Thủ tướng đã giao Bộ hoàn thiện thể chế, cơ chế khuyến khích đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội. Các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở công nhân, khu công nghiệp phải dành 2% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

Chính phủ giao cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh tùy tình hình thực tế bố trí các quỹ đất đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, miễn giảm 50% thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và dự án đầu tư nhà ở xã hội cũng được địa phương hỗ trợ một phần hạ tầng kỹ thuật, xã hội... Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lựa chọn nhóm được hưởng ưu đãi tham gia nhà ở xã hội; hỗ trợ vay vốn cho chủ đầu tư.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho rằng vấn đề vướng mắc nhất là quy định về hợp đồng cho thuê nhà ở giữa doanh nghiệp xây dựng và công nhân. Theo đó, người cho thuê phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân. Nếu một doanh nghiệp giải quyết nhà ở cho khoảng 20.000 công nhân, phải ký tới 20.000 hợp đồng, rất vất vả. Ngoài ra, việc công nhân ở không ổn định, thay đổi công việc, di chuyển chỗ khác cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng hỗ trợ chỗ ở.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dự kiến số lượng theo tổng hợp là khoảng 3,4 triệu lượt người được hỗ trợ, chia thành hai nhóm: hỗ trợ người kiên trì bám trụ sản xuất và hỗ trợ người lao động quay lại sản xuất. Hiện nay đã bắt đầu thực hiện hỗ trợ. Tuy nhiên, do địa phương thêm thủ tục niêm yết công khai và chính sách nhận theo tháng hoặc nhận 3 tháng nên một bộ phận công nhân đề nghị tròn 3 tháng mới nhận 1 lần, như vậy có nơi vẫn chưa đến được tay công nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận vấn đề nhà ở là vấn đề quan trọng, "có an cư mới lạc nghiệp, quyền được có nhà ở là chính đáng của công nhân." Vấn đề này Đảng, Nhà nước luôn luôn trăn trở, Quốc hội, Chính phủ đã cụ thể hóa nhiều chính sách như: dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, cho vay ưu đãi...

Để hỗ trợ người lao động khó khăn trong đại dịch, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết yêu cầu thực hiện khẩn trương, trong đó có gói hỗ trợ tiền thuê nhà. Chỉ trong mấy tháng, các cơ quan đã thực hiện chính sách cho hơn 55 triệu người với hơn 80.000 tỷ đồng. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương và cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022. Những vướng mắc cần kịp thời báo cáo để tháo gỡ, giảm bớt thủ tục cho người lao động trong một số trường hợp đặc biệt.

Giải nhiệt những vấn đề "nóng" trong công nhân lao động ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi đối thoại với công nhân lao động năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về việc dự án nhà ở xã hội vẫn đang vướng về pháp lý từ một số nội dung tại luật, nghị định, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, sẽ sửa ngay.

Những vấn đề khác, Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp giải quyết vấn đề này căn cơ, bài bản, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước hiện nay.

Sẽ rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Một trong những nội dung được người lao động đưa ra trong Chương trình đối thoại chính là việc cân chỉnh lại thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện của công nhân. Nhiều ý kiến cho rằng thời gian đóng bảo hiện hiện tại quá dài đối với lao động phổ thông khiến nhiều trường hợp không thể đợi lâu nên đã phải rút sổ bảo hiểm xã hội một lần để lấy tiền trang trải cuộc sống trước mắt nhưng về lâu dài lại rất thiệt thòi.

Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng thời gian đóng bảo hiểm 20 năm rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân 40-45 tuổi. Chị kiến nghị sớm sửa luật, bảo đảm quyền lợi của công nhân, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.

Giải đáp vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cả nước hiện có khoảng 55 triệu lao động, song chỉ hơn 20 triệu người có giao kết, hợp đồng lao động. Hơn 16 triệu người trong đó đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện, tỷ lệ tham gia rất thấp. Tình trạng người dân rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua là không tốt, gây hệ lụy lâu dài với tương lai lao động lẫn chính sách an sinh. Theo Bộ trưởng, trước hết phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân và để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã giao cho Bộ chủ trì xây dựng dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội. Một trong những sửa đổi căn cơ là giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội để người lao động hưởng lương hưu.

Dự thảo sẽ rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm để người lao động có thể tiếp cận hưu trí, tránh việc 20 năm quá dài, dựa trên nguyên tắc: đóng nhiều, hưởng nhiều; đóng ít, hưởng ít. Luật sửa đổi sẽ tạo cơ chế để khuyến khích lao động tham gia bảo hiểm xã hội dài hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm việc lợi dụng lúc khó khăn để ép, mua bán chuyển đổi sổ bảo hiểm xã hội.

Giải nhiệt những vấn đề "nóng" trong công nhân lao động ảnh 3Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện các bộ, ngành đối thoại với công nhân lao động năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội có những điều chưa theo kịp thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mọi chính sách không thể bao hết các khía cạnh của cuộc sống. Song với tinh thần tiếp thu ý kiến, Chính phủ đã nghiên cứu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự luật sửa đổi vào chương trình xây dựng luật năm 2023 để giải quyết được bài toán mà thực tiễn đặt ra, những điểm luật pháp chưa sát thực tế. Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; thông qua vào Kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Dành 2.000 tỷ đồng để đào tạo nghề

Tại Chương trình đối thoại với Thủ tướng, người lao động đã gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, liên quan đến vấn đề lao động việc làm, chế độ chính sách. Nhằm giải quyết vấn đề việc làm bền vững, nhiều ý kiến mong muốn tay nghề vững để có thu nhập cao và đời sống ổn định, nhưng việc học nghề gặp khó khăn về thời gian, kinh phí. Người lao động đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu thực trạng, 70% lao động hiện nay được đào tạo, nhưng chỉ khoảng 24% có chứng chỉ nghề, đào tạo từ ba tháng trở lên, so sánh trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đào tạo nghề nghiệp thấp.

Vì vậy, đào tạo nhân lực đã được Chính phủ xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược của quốc gia để phát triển nhanh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 với những giải pháp quan trọng, trước hết, tiến hành đào tạo nhanh, phân luồng học sinh cấp 2,3, những học sinh không có nhu cầu và không có điều kiện để học lên cao nhanh và ngay, sẽ cho các em rẽ ngang, vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ sửa đổi Luật Việc làm theo tinh thần xác định những ngành nghề nào, những lĩnh vực nào bắt buộc doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải sử dụng lao động có chuyên môn. Nếu không có chuyên môn, phải phối hợp với Nhà nước, phối hợp với cá nhân để đào tạo trước khi vào làm việc; có những lực lượng lao động phải quy định vào làm việc bao lâu phải đào tạo lại.

Chính phủ đã dành 2.000 tỷ đồng để xây dựng 3 Trung tâm đào tạo thực hành quốc gia để chỉ đào tạo những ngành nghề, lĩnh vực mà các trường nghề chưa đào tạo được, những ngành nghề, lĩnh vực có tính chất dẫn dắt như các nước phát triển.

Chỉ đạo nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vấn đề đào tạo nghề là đòi hỏi chính đáng của người lao động và công nhân. Việc đầu tiên, Thủ tướng cho rằng phải phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó mới có công ăn việc làm, mới giải quyết được lao động; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng việc làm, muốn như vậy việc đào tạo nâng cao tay nghề là một đòi hỏi khách quan phải làm. Ngoài sự nỗ lực của công nhân phải có quản lý nhà nước và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan; đồng thời dành nguồn lực mới có thể làm tốt được.

"Khi có tay nghề cao sẽ có thu nhập cao, có thu nhập cao, đời sống tinh thần vật chất của công nhân được cải thiện, từ đó mới có hạnh phúc và ấm no," Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước là nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, chăm lo hạnh phúc của nhân dân. Mục tiêu cao nhất là làm sao nhân dân được ấm no, hạnh phúc, trong đó có giai cấp công nhân. Nhà nước, Chính phủ luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng ý kiến của người lao động, trên cơ sở đó để hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục