Giải pháp kích thích kinh tế có phải là 'liều thuốc chữa bách bệnh'?

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đồng loạt áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế, tuy nhiên hệ lụy của điều này là không hề nhỏ.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đồng loạt áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đồng loạt áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, một loạt nền kinh tế lớn trên thế giới đã liên tục áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và kích thích tài chính.

Tuy nhiên, báo Liên hợp buổi sáng của Singapore ngày 23/10 đăng bài bình luận cho rằng, giải pháp kích thích kinh tế không hẳn là linh dược có thể trị được bách bệnh.

Theo bài viết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo kinh tế thế giới năm 2019 có thể chỉ tăng trưởng 3%, mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng khoảng tài chính năm 2008 đến nay.

Theo đó, IMF kêu gọi ngân hàng trung ương các nước cần tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng thời áp dụng các biện pháp kích thích tài chính.

Cùng thời điểm, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cho rằng, nền kinh tế nước này sau khi áp dụng chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump đã chứng tỏ được bản lĩnh, vượt qua giai đoạn khó khăn, sẵn sàng cho tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, một số nền kinh tế lớn khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Đức và một số nước châu Âu khác vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí mức độ suy giảm còn có thể nghiêm trọng hơn cả những gì đã dự báo.

[Kinh tế toàn cầu có rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ 2009?]

Trong bối cảnh những đám mây u ám đang bao trùm nền kinh tế toàn cầu, giải pháp kích thích kinh tế được coi là con át chủ bài, giống như Mỹ đã làm như trên.

Kích thích được xem là chính sách phản chu kỳ, giúp mang lại sức sống cho nền kinh tế. Điều này được ví như việc phải tiếp máu cho một người bệnh bị mất quá nhiều máu để giúp họ vượt qua tình trạng nguy hiểm.

Giải pháp kích thích kinh tế có phải là 'liều thuốc chữa bách bệnh'? ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, sau khi tiếp máu, các bác sỹ cần tiếp tục áp dụng các biện pháp điều trị khác để trị hẳn chứng bệnh.

Thêm vào đó, kích thích kinh tế chỉ là giải pháp được áp dụng trong trường hợp đặc biệt và thật sự cần thiết, không thể lạm dụng, nếu không nó sẽ mất tác dụng, thậm chí còn tạo ra các vấn đề nguy hiểm mới.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đồng loạt áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế.

Năm 2008, lãi suất cơ bản của Mỹ đã gần như bằng 0, nên sẽ không còn nhiều dư địa để điều chỉnh. Không chỉ vậy, Mỹ còn tiếp tục đưa ra các biện pháp nới lỏng để tiếp thêm sức sống cho nền kinh tế.

Tương tự, các nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng loạt áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ…

Tuy nhiên, cho đến nay duy nhất chỉ kinh tế Mỹ tăng trưởng, còn các nền kinh tế lớn khác vẫn trong tình trạng trì trệ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra, tiếp tục gây ra tác động xấu, kéo lùi tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Lãi suất quá thấp và sự trì trệ của nền kinh tế sẽ khiến cho không gian điều chỉnh chính sách ngân hàng trung ương các nước bị thu hẹp lại.

EU và Nhật Bản từng áp dụng chính sách lãi suất âm để khuyến khích ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay vốn, nhưng đến nay hiệu quả mang lại vẫn rất hạn chế. Ngược lại, hệ lụy tạo ra từ việc áp dụng chính sách lãi suất âm lại rất nguy hiểm.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các viện tài chính toàn cầu (IIF), trong tổng số vốn cho vay trị giá khoảng 113.000 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu có 1.600 tỷ USD không mang lại lợi nhuận (lãi suất âm).

Điều này đang tiềm ẩn những thách thức nguy hiểm cho sự ổn định của hệ thống các quỹ, ngân hàng và tổ chức tài chính trên toàn cầu.

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng nới lỏng tiền tệ chỉ là giải pháp cơ bản ban đầu, các nước cần tiếp tục áp dụng thêm các chính sách tài chính tích cực khác như giảm thuế hoặc mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng để giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Bên cạnh đó, các nước cũng cần đặc biệt chú ý đến một loạt vấn đề khác đi kèm, vì nới lỏng tiền tệ sẽ tạo ra bong bóng bất động sản, sự hỗn loạn của thị trường vốn và khoảng cách giàu nghèo gia tăng… khiến cho mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bạo lực và gây mất ổn định chính trị.

Bài viết kết luận, giải pháp kích thích kinh tế hoàn toàn không phải linh dược có thể trị được bách bệnh, nếu quá lạm dụng biện pháp này sẽ mang lại hậu quả khôn lường và gây mất ổn định xã hội.

Tương tự như vậy, chủ nghĩa bảo hộ thương mại hoàn toàn không thể giải quyết được sự mất cân bằng, mà ngược lại kéo lùi tăng trưởng và thậm chí đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục