Giải pháp nâng cao giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam

Việt Nam đang khẳng định vị trí của một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng chưa xây dựng được thương hiệu gạo.
“Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam” là chủ đề của cuộc Hội thảo do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức ngày 12/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp tham gia.

Nếu như năm 2006, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 4,69 triệu tấn gạo, trị giá 1,195 tỷ USD thì đến năm 2012, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục về lượng trên 8,1 triệu tấn, trị giá gần 3 tỷ USD và tiếp tục khẳng định vị trí của một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng được mở rộng, đa dạng hóa, góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nêu trên, ngành sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đã bộc lộ nhiều bất cập như chất lượng gạo xuất khẩu chưa được đánh giá cao trên thị trường; chưa xây dựng được thương hiệu gạo; giá gạo xuất khẩu không ổn định.

Nhiều thương nhân xuất khẩu gạo không thực sự định hướng đầu tư lâu dài cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu, thiếu chiến lược xây dựng, củng cố và mở rộng thị trường; chưa gắn kết được khâu sản xuất, với chế biến xuất khẩu.

Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh trước thực trạng này, để nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam, cần phải nghiên cứu, đề xuất và thực thi các giải pháp cụ thể và đồng bộ.

Tiến sỹ Trần Tuấn Anh nêu rõ cần rà soát, tính toán lại để định hướng phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng phải căn cứ vào nhu cầu thị trường; các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp cần tập trung triển khai công tác xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; cần nỗ lực đẩy mạnh, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường phù hợp với tình hình mới.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, nêu lên thực trạng xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay và kiến nghị các thương nhân cần duy trì mức tồn kho hợp lý để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cuối năm; làm rõ những vấn đề còn vướng mắc và kiến nghị về vai trò và trách nhiệm của Hiệp hội đối với mua lúa gạo tạm trữ trong thời gian tới.

Ông cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét giải quyết các yêu cầu tăng cường xúc tiến thương mại cấp Chính phủ; xét chọn bổ sung các thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ phê duyệt quy chế mua tạm trữ lúa gạo; định hướng sản xuất các loại lúa chất lượng cao để nâng giá trị sản phẩm, phù hợp với yêu cầu thị trường.

Giáo sư-tiến sỹ Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học Kinh tế nông nghiệp miền Nam, đã nêu bật giải pháp cải tiến giống lúa phẩm chất gạo tốt và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Ông nhấn mạnh: "Việt Nam đang là nước xuất gạo hàng đầu trên thương trường quốc tế, phẩm chất gạo đã đáp ứng được thị hiếu rất đa dạng của thị trường này. Cải tiến phẩm chất lúa gạo có ý nghĩa quyết định để tiếp cận mục tiêu phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững."/.

Hà Huy Hiệp (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục