Hiện những người có HIV đang được điều trị miễn phí thuốc ARV. Có tới 95% nguồn thuốc này do quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, nguồn viện trợ này sẽ bị cắt giảm dần và hầu như cắt hết từ năm 2017.
Trước tình thế này, giải pháp nào để bảo đảm những người có HIV tiếp tục được điều trị ARV là câu hỏi được đặt ra với các chuyên gia tại toạ đàm trực tuyến Bảo đảm điều trị ARV bền vững. Tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện chiều nay, ngày 1/10, tại Hà Nội.
Cần duy trì điều trị ARV miễn phí
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước hiện có 227.000 người nhiễm HIV. Tuy nhiên, cũng theo ông Long, con số thực tế có thể cao hơn.
Trong số này, số người được điều trị ARV là 100.000 người, chiếm chưa tới 50%.
Tổng kinh phí để điều trị ARV miễn phí cho các bệnh nhân này là khoảng 420 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, 95% số thuốc được tài trợ.
“Điều trị thuốc ARV là nhu cầu thiết yếu của người có HIV. Thời gian tới, nguồn viện trợ bị cắt giảm và không duy trì được việc điều trị thì tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong sẽ cao hơn, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn,” ông Long nói.
Cũng theo ông Long, việc điều trị ARV phải đảm bảo nghiêm ngặt theo phác đồ, như uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và uống thường xuyên hàng ngày. Nếu không được điều trị thường xuyên, bệnh nhân rất dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Khi đó, sẽ phải nâng lên điều trị ở phác đồ bậc hai, cao hơn, tốn kém hơn.
Cụ thể, nếu điều trị theo phác đồ thông thường, chi phí uống ARV cho một bệnh nhân có HIV một năm là hơn 3 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu phải tăng lên điều trị theo phác đồ bậc 2, con số này là hơn 20 triệu đồng, cao gấp 6, 7 lần.
Anh Nguyễn Văn Thoan, người nhiễm HIV đang điều trị ARV cho biết, những người có HIV đa số kinh tế rất khó khăn, lại không làm được nhiều việc như những người bình thường để có thu nhập tốt.
“Nghe nói đến bị cắt nguồn thuốc, chúng tôi cũng không biết phải trông cậy vào đâu. Tôi chỉ mong khi nước ngoài cắt viện trợ, Bảo hiểm Y tế sẽ đứng ra hỗ trợ để phần nào giảm bớt khó khăn cho người bệnh,” anh Thoan chia sẻ.
Cần sản xuất được thuốc tại Việt Nam
Trả lời tại buổi tọa đàm, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi xác định khi nguồn viện trợ bị cắt thì phải góp phần cùng các nguồn tài chính khác để mua thuốc, phục vụ nhu cầu của người bệnh. Đây là trách nhiệm của Bảo hiểm Y tế.”
Cũng theo ông Sơn, hiện thuốc ARV đã được đưa vào trong danh mục thuốc được Bảo hiểm Y tế chi trả.
Tuy nhiên, thống kê của Bảo hiểm Y tế cho thấy, chỉ 30% người có HIV tham gia bảo hiểm y tế, 70% còn lại không tham gia.
“Người có HIV nên tham gia bảo hiểm y tế để được hưởng chính sách điều trị ARV,” ông Sơn nói.
Trước ý kiến lo ngại về việc liệu có nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm Y tế khi đưa ARV vào danh mục thuốc được chi trả, ông Sơn cho biết, đến thời điểm này, quỹ Bảo hiểm Y tế có thể cân đối được.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần có nhiều giải pháp cho vấn đề điều trị ARV để mang tính ổn định lâu dài hơn.
Theo ông Trịnh Quân Huấn, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, có hai cách để tăng quỹ Bảo hiểm Y tế.
Thứ nhất là cần tuyên truyền để người dân có trách nhiệm hơn trong việc tham gia Bảo hiểm Y tế. Hiện vẫn còn khoảng 30% người dân chưa tham gia.
Thứ hai là nên huy động các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn cung cấp thuốc ARV sau năm 2017. Bên cạnh đó, có thể huy động các nguồn lực xã hội khác từ trong nước.
Nhưng ông Huấn cũng cho rằng, việc huy động tài trợ không phải là giải pháp lâu dài.
"Hiện ARV là thuốc có bản quyền nên giá khá đắt. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để làm sao có thể sản xuất thuốc ARV tại Việt Nam, như thế mới giảm được giá thành và là giải pháp bền vững,” ông Huấn nói./.