Giải pháp phát triển hợp tác xã làng nghề bền vững

Nhu cầu cần thiết tạo cầu nối giữa hợp tác xã, làng nghề, doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển của thị trường, giải quyết việc làm.
''Giải pháp phát triển hợp tác xã, làng nghề - khả năng liên kết hợp tác'' là chủ đề của cuộc tọa đàm do Liên minh hợp tác xã Việt Nam phối hợp tổ chức trong khuôn khổ ''Hội chợ quốc tế Hợp tác - Doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2009'' diễn ra tại Hà Nội ngày 3/11.

Ông Nguyễn Xuân Hiên, Phó Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã khẳng định, nhu cầu cần thiết tạo cầu nối liên kết giữa các hợp tác xã, làng nghề và doanh nghiệp để tạo ra những đóng góp cho sự phát triển của thị trường, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn và bình ổn xã hội.

Phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã là con đường tất yếu để giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ, manh mún với sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa.

"Chính vì vậy, với 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, đi lên từ một nền sản xuất nhỏ, việc phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội", ông Hiên nói.

Cũng trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Lộc cho rằng việc liên kết 4 nhà gồm nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước là rất cần thiết để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của người nông dân, duy trì và phát triển sản xuất bền vững và tạo được nhiều việc làm cho người nông dân, đặc biệt là trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay. Đồng thời, hợp tác xã cũng rất cần nhà nước hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và đất để mở rộng sản xuất, ông Thành nói.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Song Cường, Hà Nội, với 80 triệu dân thì việc tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp ở thị trường nội địa là rất bền vững và không phụ thuộc nhiều vào các đơn hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, để có chỗ đứng trong thị trường nội địa cạnh tranh được với hàng nhập ngoài thị sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác trong các làng nghề để tạo nên các kênh phân phối sản phẩm là rất quan trọng.

Hiện nay, cả nước có trên 18.290 hợp tác xã, 50 liên hiệp hợp tác xã, 360.000 tổ hợp tác và gần 1.500 làng nghề.

Lĩnh vực hoạt động của khu vực hợp tác xã và làng nghề gồm 46 nghề khác nhau với 5 nhóm ngành cơ bản gồm nghề nông, lâm nghiệp; nghề thủy sản; nghề công nghệ thực phẩm; nghề xây dựng; nghề công nghiệp và tiêu thủ công nghiệp. Quy mô hoạt động của khu vực này chủ yếu là các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 90%./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục