Giải quyết vướng mắc dự án di dân thủy điện Sơn La

Đoàn công tác liên bộ vừa có chuyến kiểm tra, giải quyết vướng mắc thực hiện dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La tại tỉnh Điện Biên.
Ngày 30/11, đoàn công tác liên Bộ: Tài chính, Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, và các đại diện của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiểm tra việc thực hiện chính sách bồi thường, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La tại tỉnh Điện Biên.

Theo đánh giá chung của đoàn công tác, tỉnh Điện Biên thực hiện giải ngân khá, song vấn đề thanh quyết toán còn chậm và còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết, theo Quyết định 801 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Điện Biên có 281 dự án, phương án phục vụ Dự án tái định cư thủy điện Sơn La. Tổng mức vốn được Chính phủ phê duyệt trên 6.040 tỷ đồng; trong đó 4.300 tỷ đồng để xây dựng các công trình, khu, điểm tái định cư; trên 1.500 tỷ đồng dành để bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Từ năm 2004 đến 2011, trong tổng số vốn giao 3.450 tỷ đồng, tỉnh Điện Biên đã giải ngân trên 2.600 tỷ đồng, đạt gần 80%. Tuy nhiên, trong số vốn đã giải ngân, vẫn còn tới 681 tỷ đồng là vốn các chủ đầu tư tạm ứng, chưa hoàn thành các thủ tục thanh quyết toán, trong đó có 593 tỷ đồng tạm ứng xây dựng cơ sở hạ tầng, còn lại là vốn thanh toán các phương án bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư và chi phí quản lý.

Theo tỉnh Điện Biên, một phần khó khăn trong thanh quyết toán vốn là theo quy định, các công trình hoàn thành phải có báo cáo kiểm toán độc lập, song hiện nay nhiều dự án nhỏ, hạn mức thấp không thuê được Kiểm toán.

Theo ông Trần Văn Chuông, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Điện Biên,  tới thời điểm này, vẫn còn tới gần 20 dự án đã tạm ứng 593 tỷ đồng, tất cả các dự án này đều đã có khối lượng thực hiện, thậm chí hoàn thành từ nhiều năm nay, song vẫn chưa có hồ sơ quyết toán công trình hoàn thành. Trong đó có dự án san nền khu tái định cư Na Nát (thị xã Mường Lay) đã tạm ứng 97 tỷ đồng, dự án san nền, giao thông khu tái định cư Cơ khí và Đồi Cao (thị xã Mường Lay) mỗi dự án đã tạm ứng 71 tỷ đồng...

Theo tính toán từ nay đến 31/1/2012, đơn vị sẽ đôn đốc các chủ đầu tư thanh toán được khoảng 300 tỷ đồng, như vậy vẫn còn kết dư khoảng 500 tỷ đồng.

Việc triển khai giải ngân, thanh quyết toán bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư và các công trình hạ tầng thực hiện dự án tái định cư thủy điện Sơn La tại tỉnh Điện Biên hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành chuyên môn giải quyết như bồi thường và hỗ trợ nhà ở, vật kiến trúc kèm theo nhà ở cho các hộ có tài sản, vật kiến trúc xây dựng sau thời điểm Quyết định số 196/2004 của Thủ tướng Chính phủ cho 105 hộ đang sinh sống tại thị xã Mường Lay với dự tính chi phí tăng thêm 4 tỷ đồng; bổ sung thêm đối tượng đối với 179 hộ tái định cư huyện Tủa Chùa bị thu hồi hết hoặc một phần đất sản xuất, phải di vén lên cao với dự tính tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng (các hộ này không thuộc nhóm đối tượng tái định cư tập trung, xen ghép hay tự nguyện theo Quyết định 02 của Chính phủ).

Thị xã Mường Lay đề nghị bổ sung đối tượng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và đề nghị nâng mức hỗ trợ mua sắm công cụ lao động; đề nghị bổ sung đối tượng cho 850 hộ tái định cư nông nghiệp tại thị xã Mường Lay được hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng bể nước, sân bể....

Trước những vướng mắc của tỉnh Điện Biên, đại diện đoàn công tác đã yêu cầu tỉnh tổng hợp, báo cáo chi tiết từng vấn đề để các bộ, ngành nghiên cứu hướng giải quyết.

Với thắc mắc của huyện Tủa Chùa về đề nghị gộp chi phí 2% chi phí quản lý các dự án vào để thuận tiện cho việc triển khai, đề nghị tỉnh có ý kiến chỉ đạo vì thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Vấn đề người dân huyện Tủa Chùa khiếu nại vì người thanh toán thời điểm trước được bồi thường thấp hơn người thanh toán sau, cần thanh toán theo chính sách nhất quán để tránh ảnh hưởng, Đoàn công tác đã có ý kiến hướng dẫn các ngành chức năng, chủ đầu tư tỉnh Điện Biên giải quyết một số vướng mắc trong vấn đề hoàn tất hồ sơ thanh quyết toán như với các công trình nhỏ, hạn mức thấp có thể không cần Kiểm toán độc lập mà đề nghị cơ quan tài chính các cấp thẩm định.

Đoàn công tác đề nghị tỉnh Điện Biên đôn đốc, kiểm tra và đốc thúc các chủ đầu tư giải ngân, thanh quyết toán các công trình hoàn thành đạt kết quả tối đa bởi ngoài nguồn vốn kết dư, vẫn còn tới 150 tỷ đồng vốn bổ sung trong năm 2011. Cần quan tâm tới vấn đề giao đất sản xuất cho các hộ tái định cư bởi khoản kinh phí hỗ trợ đời sống của bà con chỉ còn được thực hiện trong 1 năm nữa, nếu hết nguồn hỗ trợ này, đời sống của các hộ tái định cư sẽ lại gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chủ trương “Đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” của Đảng và Nhà nước.../.

Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục