Với nhiều ngỡ ngàng

Giải thưởng Hội NVHN 2011: Với nhiều ngỡ ngàng

Ba tác phẩm đoạt giải của Hội Nhà văn Hà Nội 2011 đều mang lại những cung bậc ngỡ ngàng cho Hội đồng chung khảo và bạn đọc.

Sáng nay, 9/3 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức trao Giải thưởng văn học 2011.

Ba tác phẩm đoạt giải gồm: Tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của nhà văn Trần Dần, tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung và tác phẩm dịch “Olga Berggoltz của tôi” của dịch giả Thụy Anh đều đem lại sự ngỡ ngàng cho Hội đồng chung khảo giải thưởng và bạn đọc.

Sự ngỡ ngàng đầu tiên dành cho công trình “Olga Berggoltz của tôi” của dịch giả Thụy Anh, bởi  sự công phu và một "sự đồng hành kỳ diệu" cùng tác giả, tác phẩm của người chuyển tải ngôn ngữ mà theo cách nói của dịch giả Thúy Toàn thì "đây là một công trình dịch thuật mà cả đời tôi chưa dám mơ được một cuốn sách như thế.”
Olga Berggoltz không xa lạ với độc giả Việt Nam, các thi phẩm của bà đã từng xuất hiện ở Việt Nam do  sự chuyển tải ngôn ngữ của nhà thơ Bằng Việt và một số người khác, nhưng mới chỉ là một số tác phẩm lẻ tẻ. Với  “Olga Berggoltz của tôi,” Thụy Anh đem đến một tập tuyển với đầy đủ chân dung, tiểu sử và thơ qua những chặng đường số phận của nữ thi sĩ người Nga Olga Berggoltz. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã gọi dịch giả Thụy Anh là người đồng hành cùng Olga Berggoltz trên đất Việt, người được thơ Olga Berggoltz “quyến rũ,” dẫn dắt đến với cuộc đời bà để chia sẻ cuộc sống, đồng cảm tâm hồn và cùng khát khao tình yêu. Theo ông Nguyên, Thụy Anh đến với Olga Berggoltz bằng sự đồng điệu, nhập thân, hòa mình vào từng câu chữ tiếng Nga thơ Olga, lắng nghe và cảm nhận từng mạch đập của nhà thơ để đưa lại những thi phẩm tinh tế. Dịch giả không chỉ cố gắng truyền đạt tinh thần của bài thơ, chị còn giúp người đọc biết hoàn cảnh ra đời và cùng chị thấu hiểu hơn tâm trạng cảm xúc của nhà thơ. “Trao giải với số phiếu tuyệt đối cho tuyển thơ ‘Olga Berggoltz của tôi' ra đời vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh nữ thi sĩ, Hội Nhà văn Hà Nội đánh giá cao công phu dịch thuật của dịch giả Thụy Anh và cũng ghi nhận sự trở lại của những giá trị văn học Nga-Xô viết từ một lớp người dịch mới,” ông Nguyên nói. Ông Nguyên cũng cho biết, giải thưởng vừa công bố ngay lập tức có tiếng vang đến nước Nga. Tiến sĩ ngôn ngữ học người Nga Kraevskaya Natalia Mikhailovna cho biết, việc cuốn sách của nữ nhà văn và dịch giả trẻ Thụy Anh “Olga Berggoltz của tôi” được Hội Nhà văn Hà Nội quan tâm và đánh giá cao là một sự kiện đáng chú ý… “Đối với tôi, sự kiện ấy là bằng chứng cho cuộc sống văn hóa tinh thần ở tầng nấc cao của người Việt và là tia hy vọng rằng, đằng sau sự hào nhoáng của cuộc sống tiêu dùng thời nay vẫn có một tầng sâu văn hóa khác,” tiến sĩ Kraevskaya Natalia Mikhailovna nhận xét. Còn dịch giả Thụy Anh thì khiêm nhường giải thích việc chị chọn dịch tác phẩm của Olga Berggoltz đơn giản vì thơ Olga Berggoltz đã đến Việt Nam từ lâu và tạo được dấu ấn trong lòng độc giả nhưng mới chỉ dừng lại ở dịch một vài bài thơ lẻ. Bởi vậy, chị đã chọn dịch “Olga Berggoltz của tôi” để đáp ứng được nhu cầu đọc thơ  Olga Berggoltz của độc giả. Tác phẩm nhận giải Hội Nhà văn Hà Nội 2011 dành cho văn xuôi là tiểu thuyết trinh thám “Những ngã tư và những cột đèn” của cố nhà văn Trần Dần. Cuốn tiểu thuyết được nhà văn viết từ năm 1966 này đã đem đến sự ngỡ ngàng bởi năng lực đa dạng của “kẻ sáng tạo” đã đẩy ngôn ngữ văn xuôi hư cấu vào một cuộc thử nghiệm lạ lùng. “Xét về nghệ thuật ngôn ngữ, đoán quyết là đến tận bây giờ cũng ít ai làm giống như Trần Dần. Câu văn xuôi của Trần Dần ở tác phẩm tiểu thuyết này là kiểu câu hiếm gặp trong văn xuôi Việt Nam từ thời có chữ quốc ngữ tới nay,” nhà phê bình Hoài Nam nhận xét. Cũng theo ông Nam, nhà văn Trần Dần còn tạo được nhịp điệu riêng “không giống ai” cho câu văn của mình. Một nhịp điệu không bằng phẳng, không cân đối mà trúc trắc, gập ghềnh, xô lệch, đầy sự bất ngờ và đầy nỗi bất an, đúng với tinh thần của một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Nhà văn Trần Dần đã chứng minh một cách khá thuyết phục rằng người viết văn xuôi hư cấu không chỉ là người kể chuyện mua vui cho độc giả, mà còn cần thiết phải là người mua vui cho chính mình bằng cách bắt ngôn ngữ phải “khiêu vũ” những điệu chưa từng có, kỳ lạ hơn, nó đã được sáng tạo từ cách đây gần 4 thập kỷ. Tại lĩnh vực thơ, tập “Những kỷ niệm tưởng tượng” của tác giả Trương Đăng Dung cũng đem lại sự ngỡ ngàng lớn khi  đây là một ấn phẩm đầu tay của một nhà nghiên cứu lý luận thuộc dạng hàn lâm hiếm hoi trong ngành khoa học Việt Nam. Trong khi các tác giả văn, thơ, dịch thuật đoạt giải đang hân hoan với chiến thắng của mình thì mảng lý luận, phê bình lại khuyết tên trong danh sách nhận giải. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta có thể cho rằng lý luận, phê bình nước nhà còn yếu kém. Bởi theo cách nói của ông Phạm Xuân Nguyên, đây là một lĩnh vực rất khó, cần có thời gian, sự chiêm nghiệm và áp dụng những lý thuyết mới. “Vì nó là phân tích, lý luận, là khoa học nên kết quả của nó là cả một quá trình mà để đạt được chất lượng học thuật, chất lượng sâu về nghiên cứu, phê bình thì không dễ,” ông Nguyên khẳng định./.
Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải văn học 2011 vào sáng ngày 9/3, tại Hà Nội.

Ba tác phẩm đoạt giải gồm: Tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của nhà văn Trần Dần, tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung và tác phẩm dịch “Olga Berggoltz của tôi” (dịch giả Thụy Anh).

Lĩnh vực lý luận, phê bình không có tên trong danh sách đoạt giải năm nay, do hai tác phẩm lọt vào chung khảo không có đủ số phiếu đạt giải.

Cũng trong buổi trao giải thưởng văn học, Hội Nhà văn Hà Nội đã kết nạp thêm 29 hội viên mới.
Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục