Giải trình của quân đội Armenia về cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh

Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Armenia gửi thông điệp tới các quân nhân và người dân Armenia đề cập về những gì đã xảy ra, đáp trả chỉ trích từ các chính trị gia đối lập.
Giải trình của quân đội Armenia về cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh ảnh 1Binh sỹ Azerbaijan nã pháo về phía lực lượng Armenia trong xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình hình chính trị nội bộ tại Armenia đang trở nên phức tạp sau khi nước này ký kết thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorny-Karabakh, trong khi chính phủ cũng như quân đội Armenia vấp phải chỉ trích nặng nề từ các chính trị gia đối lập và người dân Armenia.

Ngày 17/11, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Armenia, Thượng tướng Onik Gasparyan, đã có thông điệp gửi tới các quân nhân và người dân Armenia đề cập về những gì đã xảy ra trong thời gian qua, đáp trả những chỉ trích từ các chính trị gia đối lập. Thông điệp này đã được đăng trên cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng Armenia.

Mở đầu bài viết, Thượng tướng Onik Gasparyan nhấn mạnh rằng trong năm 2020, lực lượng vũ trang Armenia đã dấn thân vào cuộc chiến do những kẻ khủng bố đánh thuê của Azerbaijan và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ kích động. Ông khẳng định: “Người lính Armenia đã chiến đấu quên mình, chiến đấu đến chết.”

Theo ông Gasparyan, một số chính trị gia cáo buộc lãnh đạo các lực lượng vũ trang không đưa ra những đánh giá và phân tích thực tế về tính chất và dự đoán những hành động tiếp theo của kẻ thù cũng như năng lực của các lực lượng vũ trang. Tướng Gasparya khẳng định những cáo buộc này “không phù hợp với thực tế.”

Ông cho biết với tư cách là Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, ngày 8/6/2020, Tướng Gasparya đã trình bày bản phân tích về tình hình quân sự-chính trị trong khu vực và năng lực của quân đội Armenia với Thủ tướng Nikol Pasyanin, và vài ngày sau đó là điều trần trước Hội đồng An ninh quốc gia.

Trên cơ sở phân tích, Tướng Gasparya nhấn mạnh rằng ông đã đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường an ninh quân sự trong nước. Cụ thể:

Thứ nhất, đối thủ của Armenia không chỉ là Azerbaijan, mà còn là Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, Armenia khó có thể chống lại sức mạnh quân sự tổng hợp của cả hai quốc gia này một cách hiệu quả; và bởi vậy Armenia cần phải cân nhắc mọi tiềm lực chính trị và ngoại giao của đất nước để tránh, hoặc ít nhất là hoãn chiến tranh.

Thứ hai, đề xuất này đã được Hội đồng An ninh quốc gia và Thủ tướng chấp nhận, nhưng câu hỏi được đặt ra là Armenia sẽ phải làm gì “nếu không thể tránh được chiến tranh.”

[Nga, Armenia và Azerbaijan kêu gọi hợp tác khôi phục khu vực xung đột]

Tướng Gasparya cho biết trong cuộc chiến áp đặt với Armenia, quân đội nên cố gắng gây ra tổn thất nặng nề cho kẻ thù càng sớm càng tốt và ngăn chặn họ tiến hành các chiến dịch tiếp theo. 

Tướng Gasparya nhấn mạnh: “Chúng ta phải tránh một cuộc chiến tranh lâu dài. Nhiều đề xuất đã được thảo luận và thông qua, việc thực hiện những đề xuất đó lẽ ra phải làm tăng đáng kể tiềm lực chiến đấu, như mua lại vũ khí và trang thiết bị quân sự, đầu tư toàn diện cho hoạt động chiến đấu.”

Thứ ba, vào thời điểm đó, giới chức cũng đã nêu đề xuất xây dựng các đơn vị lục quân với quân số 100.000 người. Theo Tướng Gasparya, cuộc chiến được khơi mào vào ngày 27/9 là không thể tránh khỏi và kẻ thù đã mở cuộc tấn công quy mô lớn trên toàn mặt trận Artsakh (cách Armenia gọi vùng Nagorny-Karabakh) với lực lượng vượt trội gấp nhiều lần.

Quân đội đã kiên cường phòng thủ và đẩy lùi thành công các cuộc tấn công, gây thiệt hại nặng nề, phá hủy một số lượng lớn nhân lực và quân trang của kẻ địch. Điều không may là quân đội Armenia cũng bị tổn thất nặng nề. Vào ngày thứ tư của cuộc chiến, trong cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia, Tướng Gasparya đã trình bày những tổn thất của quân đội Armenia, đồng thời dự báo Armenia sẽ phải đối mặt với những điều kiện không thuận lợi trong quá trình đàm phán trong những ngày tới.

Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Armernia cho biết các lãnh đạo đã tìm mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn chiến tranh, song các đề xuất đều bị Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan từ chối, vì vậy Armenia buộc phải tiếp tục cuộc chiến chống lại các hành động thù địch, cố gắng gây cho đối phương những tổn thất nặng nề và buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán.

Tướng Gasparya khẳng định, thỏa thuận ngừng bắn vừa ký bao gồm các điều khoản “rất đau đớn” với tất cả các bên, nhưng là văn bản được thông qua sau quá trình đánh giá toàn diện tình hình. Ông nhấn mạnh quân đội Armenia đã phải lựa chọn giữa một bi kịch rất tồi tệ với một điều rất xấu.

Tuy nhiên, theo Tướng Gasparya, kết quả tích cực của quyết định “đau đớn” này là Armenia đã bảo tồn được phần lớn Artsakh.

Cuối thông điệp, Tướng Gasparya một lần nữa nhấn mạnh Armenia đã không thể tránh được một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, và trong cuộc chiến không cân sức này, những binh lính và sỹ quan Armenia đã thể hiện quyết tâm chiến đấu đến cùng và những phẩm chất đạo đức cao nhất.

Ông kêu gọi quân đội và người dân Armenia không nên chán nản, mà phải đoàn kết, mau chóng hồi phục, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp diễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục