Giảm 7.500 vụ phạm pháp là mang đến hạnh phúc cho 7.500 gia đình

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, cho biết, năm 2019 số vụ tội phạm đã được kéo giảm 7,39%, kéo được 7.500 vụ phạm pháp chính là mang đến hạnh phúc cho 7.500 gia đình.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 31/12, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, năm 2019 số vụ tội phạm đã được kéo giảm 7,39%.

Đây là con số hết sức ấn tượng so với chỉ tiêu Bộ Công an đã mạnh dạn đăng ký với Chính phủ, Quốc hội là từ 3-5%.

Theo Bộ trưởng phân tích, kéo được 7.500 vụ phạm pháp chính là mang đến hạnh phúc cho 7.500 gia đình.

Tiếp tục mục tiêu kéo giảm tội phạm

Theo Bộ trưởng, công tác an ninh quốc gia đã phối hợp các ngành, địa phương triển khai rất tốt. An ninh các vùng chiến lược, thành phố, đô thị đã được đảm bảo để phát triển kinh tế-xã hội; giải quyết nhiều vấn đề bức xúc, điểm nóng, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân.

Về đấu tranh phòng chống tội phạm, Bộ trưởng cho biết, lực lượng Công an trong năm 2019 đã giải quyết 97.000 vụ án. Trong đó nổi lên 4 loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao: tội trộm cắp tài sản; ma túy; vụ án kinh tế, tham ô, tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại; tội phạm môi trường.

Bộ trưởng đánh giá, tội trộm cắp thời gian qua gây ra bất bình trong nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa với hơn 20.000 vụ.

Tội phạm ma túy hiện số lượng vụ án hơn 20.000 vụ án; các vụ án kinh tế, tham ô, tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại; các vi phạm về môi trường cũng hơn 20.000 vụ; lực lượng Công an đã xử lý hàng trăm tỷ đồng tiền xử phạt từ các vụ án.

Theo Bộ trưởng, vấn đề vi phạm môi trường còn liên quan đến an ninh, trật tự, do đó thời gian qua lực lượng đã tập trung đấu tranh với vấn đề nóng này.

"Kéo được 7.500 vụ phạm pháp hình sự mang đến hạnh phúc cho 7.500 gia đình không có người bị hại, đồng thời là giảm 15.000 người không phạm pháp, không phải vào trại giam (bởi trung bình mỗi vụ án khoảng 2 người vào trại giam). Giảm được 15.000 người không vào tù cũng là giảm được 5 trại giam," Bộ trưởng phân tích, đồng thời nhấn mạnh năm 2020 sẽ tiếp tục mục tiêu kéo giảm tội phạm.

[Bộ trưởng Bộ Công an: Tình hình vi phạm giao thông rất phổ biến]

Về vấn đề an toàn giao thông được kéo giảm 3 tiêu chí, Bộ trưởng cho rằng để đạt được kết quả này, lực lượng Công an đã hoạt động rất vất vả, đã xử phạt hàng trăm nghìn vi phạm; số tiền xử phạt 2.500 tỷ đồng; thu giữ 300.000 phương tiện.

"Những con số này cho thấy vi phạm giao thông rất phổ biến, rất khó kéo giảm 3 tiêu chí một cách bền vững," Bộ trưởng nhận định, đồng thời cho biết, Bộ Công an đang đề xuất Quốc hội, Chính phủ xây dựng luật về đảm bảo trật tự an-toàn giao thông để có cách thức quản lý giao thông bền vững, có căn cứ.

"Không thể chỉ điều hành về giao thông chỉ bằng Luật Giao thông đường bộ bởi không đủ các chế tài. Do đó, chúng tôi tính toán trong 2020 sẽ sớm trình dự án Luật và bàn thảo, ban hành," Bộ trưởng cho biết.

Về công tác 2020, Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai Chiến lược an ninh quốc gia.

"Làm sao phối hợp đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia trong hợp tác đối ngoại, kinh tế, quốc tế, đảm bảo an ninh trên tất cả các lĩnh vực, từng ngành, từng lĩnh vực," Bộ trưởng đề xuất.

Bộ cũng tập trung để sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về an ninh kinh tế. Bộ trưởng đánh giá đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế đúng hướng, bền vững, ổn định; cũng như đáp ứng yêu cầu Thủ tướng về không đánh đổi phát triển kinh tế với an ninh, ổn định, môi trường.

Bộ Công an cũng đề xuất với Chính phủ về việc chính quy lực lượng Công an xã. Đây là chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị, thời gian qua, các địa phương đã triển khai rất thành công.

"Mục tiêu kéo giảm tội phạm cần thực hiện tốt chủ trương này. Lực lượng Công an bám sát cơ sở, phát hiện các xung đột, mâu thuẫn có nguy cơ phát sinh tội phạm ở cơ sở, từng địa phương, từng thôn xóm, khu dân cư.

Lực lượng bám dân, bám cơ sở rất quan trọng, vừa qua các địa phương đều nhất trí, phối hợp với lực lượng Công an," Bộ trưởng đánh giá; đồng thời cho biết, tại hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu phải hoàn thành trong quý 1/2020, tức là trước đại hội đảng bộ các cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Lực lượng trị an tại cơ sở. Bộ trưởng so sánh lực lượng này tương tự như dân quân tự vệ, được điều chỉnh bởi luật để đảm bảo an ninh ở cơ sở.

Giảm 7.500 vụ phạm pháp là mang đến hạnh phúc cho 7.500 gia đình ảnh 1Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát triển các hải đội dân quân tự vệ

Về công tác quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết. năm 2019, toàn quân đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt công tác; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các quyết sách đúng đắn, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động bất ngờ.

Chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của toàn lực lượng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Toàn quân đoàn kết, thống nhất, kiên định, vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Quân đội đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, địa phương quán triệt và triển khai nghiêm các chủ trương chiến lược về quốc phòng, an ninh và phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; tích cực trong khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xử lý sự cố môi trường, giúp dân giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Các cuộc diễn tập quân khu, các tỉnh được quan tâm trong thời gian qua theo phương pháp diễn tập mới mà Thủ tướng chỉ đạo.

Bộ Quốc phòng cũng tham gia diễn tập với các nước ASEAN, các nước trong khu vực để đảm bảo an ninh phi truyền thống và phòng chống cướp biển, đảm bảo an ninh hàng hải.

Các địa bàn trọng điểm, các tuyến biên giới, các cảng gần bờ được xây dựng và nâng cao chất lượng các lực lượng bảo vệ.

Đặc biệt, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết, ở các vùng biển đang xây dựng các hải đội dân quân tự vệ để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện đã có 14 tỉnh được đầu tư trước, sau đó sẽ đầu tư cho 6 tỉnh chủ yếu ở vùng Nam Trung Bộ thực hiện nhiệm vụ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục