Giảm giá mạnh nhưng ngành du lịch Pháp vẫn điêu đứng vì dịch COVID-19

Ông Rachid Saidi, người quản lý 1 khách sạn 4 sao ở trung tâm quận Marais, thủ đô Paris đã ghi nhận lượng đặt phòng giảm 30-40% từ đầu tháng Ba đến nay, mặc dù đã hạ giá xuống một nửa.
Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Là người quản lý một khách sạn ở thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp, ông Rachid Saidi vẫn phải luôn giữ nụ cười trên môi mỗi ngày, ngay cả khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát khiến du khách hạn chế lui tới Kinh đô ánh sáng, đe dọa nghiêm trọng ngành du lịch và kinh doanh khách sạn.

Ông Saidi điều hành Monsieur Saintonge, một khách sạn 4 sao ở trung tâm quận Marais, nơi đã ghi nhận lượng đặt phòng giảm 30-40% từ đầu tháng Ba tới nay.

Ông chia sẻ mặc dù đã hạ giá xuống một nửa, song lượng đặt phòng vẫn không tăng.

Ông nói: "Đây là giai đoạn khó khăn, song chúng ta phải mạnh mẽ... Không có gì mà chúng ta không thể làm."

Dịch bệnh bùng phát trong bối cảnh các doanh nghiệp tại thủ đô Paris vừa mới hứng chịu thiệt hại do các cuộc đình công trong ngành vận tải và các cuộc biểu tình của phong trào Áo vàng gây ra.

Với gần 2.300 ca nhiễm và 48 ca tử vong được ghi nhận ở Pháp, du khách ngày càng lo ngại khi du lịch tới nước Pháp nói chung và thủ đô Paris nói riêng, khiến các khách sạn và nhà hàng trên toàn thành phố lao đao khi doanh thu giảm mạnh.

Nhiều sự kiện lớn như Triển lãm thương mại du lịch quốc tế và Hội chợ sách Paris cũng đã bị hủy bỏ.

[Từ 12/3: Quảng Ninh tạm dừng tham quan vịnh Hạ Long, các di tích]

Việc Mỹ đã áp dụng lệnh cấm tất cả các hoạt động đi lại từ châu Âu, ngoại trừ Anh, đến Mỹ trong vòng 1 tháng và kêu gọi người Mỹ tránh du lịch nước ngoài càng khiến tình hình du lịch tại Paris nói riêng và nước Pháp xấu đi.

Ông Saidi chia sẻ: "Đây dường như là một thảm họa. Nó còn tồi tệ hơn các cuộc đình công hay các cuộc biểu tình của phong trào Áo vàng."

Nhằm ứng phó dịch bệnh, ông Saidi cho biết các nhân viên khách sạn đã được hướng dẫn tăng cường vệ sinh toàn bộ 22 căn phòng, "chủ yếu vệ sinh tay nắm cửa, các thiết bị điều khiển từ xa; mọi thứ mà khách hàng có thể chạm tay vào" và "trên tất cả, là phải rửa tay mỗi khi họ rời khỏi phòng."

Những nhân viên vệ sinh đã được cấp găng tay chuyên biệt và một số người đeo khẩu trang.

Cách đấy không xa, Gilles, một trong những người bán sách tại khu sách ngoài trời nổi tiếng của thành phố dọc bờ sông Seine, mô tả sự tình trạng vắng bóng du khách là "một thảm hoạ" khi tháng Ba này vốn là thời điểm thu hút nhiều du khách.

Cùng chung tình cảnh, một cửa hàng lưu niệm gần đó, bán các đồ lưu niệm như móc treo chìa khóa Tháp Eiffel, các mô hình Khải Hoàn Môn và áo phông của câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain, cũng thưa thớt khách mua sắm.

Khởi phát từ tỉnh Vũ Hán của Trung Quốc, dịch COVID-19 hiện đã lan tới 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 130.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 4.700 ca tử vong.

Ngày 12/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục