Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với một số nội dung mới, thay đổi cơ bản so với Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.
Giảm thủ tục, minh bạch thông tin
Nghị định số 124/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, đơn giản hóa 14/21 biểu mẫu trong Nghị định số 86/2018/NĐ-CP; bổ sung quy định về hình thức nộp hồ sơ, báo cáo trực tuyến, quy định về việc khai thác, chia sẻ dữ liệu chung giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần thực hiện quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh.
Nghị định cũng cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; bảo đảm tính công khai, minh bạch; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị định bổ sung quy định về lộ trình đầu tư theo tiến độ để phù hợp thực tế khi mới thành lập cơ sở giáo dục và số lượng học sinh còn ít, đảm bảo hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Cụ thể Nghị định quy định đến thời điểm thẩm định cho phép hoạt động giáo dục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 50% tổng số vốn đầu tư và nhà đầu tư phải cam kết đầu tư đủ số vốn trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định cho phép hoạt động.
Bên cạnh đó, Nghị định đã bổ sung quy định về trách nhiệm công khai cho học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội về cơ sở giáo dục, cụ thể là cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng cho học sinh, phụ huynh học sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục các thông tin về chương trình giáo dục và kết quả kiểm định, số lượng giáo viên người nước ngoài, số lượng học sinh nước ngoài, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này.
Mặt khác, Nghị định cũng quy định tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và nội dung hoạt động của nhà trường; không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, với tên của các tổ chức phi chính phủ; không gây nhầm lẫn về đẳng cấp, thứ hạng của cơ sở giáo dục và nội dung chương trình giảng dạy; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
"Siết" quản lý chất lượng
Nghị định số 124/2024/NĐ-CP quy định cơ sở giáo dục đại học nước ngoài liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phải là cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng, được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp văn bằng trong lĩnh vực liên kết hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực. Chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp.
Nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể về thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, góp phần thu hút có chọn lọc cơ sở giáo dục đại học có chất lượng đầu tư. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu tại Việt Nam phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, thuộc nhóm 500 cơ sở giáo dục đại học được xếp thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên thế giới của một trong ba năm gần nhất. Phân hiệu cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam được hoạt động theo các tiêu chuẩn đào tạo và kiểm định của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thành lập phân hiệu (tuy nhiên, các điều kiện về cơ sở vật chất và chuẩn giảng viên không được thấp hơn quy định đối với cơ sở giáo dục Việt Nam).
Huy động nguồn lực xã hội để hiện thực "giấc mơ" kiên cố hóa trường, lớp học
Trong 10 năm qua, tổng kinh phía đầu tư xã hội hóa để xây dựng trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên ước tính trên 32.896 tỷ đồng, xây dựng khoảng 35.984 phòng học, 1.216 phòng công vụ.
Nghị định bổ sung quy định về chất lượng chương trình giáo dục mầm non và phổ thông nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam. Cụ thể, chương trình giáo dục mầm non và phổ thông của nước ngoài nếu đưa vào thực hiện ở Việt Nam phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận hoặc được kiểm định chất lượng, phải được giảng dạy trực tiếp ít nhất 5 năm ở nước ngoài và phải bảo đảm mục tiêu giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục của Việt Nam.
Cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dạy chương trình giáo dục của nước ngoài phải xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục tại địa phương để quản lý nội dung, chất lượng các chương trình giáo dục của nước ngoài khi thực hiện tại Việt Nam cũng là quy định mới tại nghị định lần này.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi, quyền hạn được giao có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong lĩnh vực này tại địa phương. Quy định này góp phần nâng cao vai trò chủ động và tăng cường công tác quản lý và trách nhiệm của địa phương trong hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục./.