Giảm thuế xăng dầu - Cân nhắc kỹ đảm bảo phù hợp thực tiễn

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Càng giảm thuế xăng dầu nhiều, những người có thu nhập cao càng được hỗ trợ nhiều hơn, người có thu nhập thấp được hỗ trợ ít hơn."
Giảm thuế xăng dầu - Cân nhắc kỹ đảm bảo phù hợp thực tiễn ảnh 1Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên đường Trần Khát Trân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô có xu hướng tăng cao.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu cũng liên tục điều chỉnh tăng; đồng thời có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, tâm lý của người dân tại một số địa phương cũng như tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Do đó, để đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện xăng dầu chỉ chịu các loại thuế, không thu phí và lệ phí nộp ngân sách. Các khoản thuế xăng dầu gồm thuế nhập khẩu với xăng dầu nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu và thuế bảo vệ môi trường.

Về thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), hiện quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng là 20%; đối với mặt hàng dầu diezen, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%.

Về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (theo các Hiệp định thương mại tự do-FTA), mặt hàng xăng bao gồm cả E5, E10 có mức thuế nhập khẩu FTA theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) là 8%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu (VNEAEU) là 8-8,8% và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) là 20%. Các mặt hàng dầu diezen, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay có mức thuế nhập khẩu FTA theo Hiệp định VNEAEU là 7%, theo Hiệp định ATIGA và Hiệp định VKFTA là 0%.

[Điều hành linh hoạt giá xăng dầu, tránh tác động bất lợi lên lạm phát]

Bộ Tài chính cho biết từ khi Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức hoạt động, cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước, lượng xăng dầu nhập khẩu giảm đáng kể. Quý 3/2021 lượng xăng nhập khẩu chỉ chiếm 7,2% tổng lượng xăng tiêu thụ trong nước và dầu nhập khẩu chỉ chiếm 31,15%. Như vậy, lượng xăng sản xuất trong nước chiếm đến 92,8% tổng sản lượng xăng tiêu thụ của cả nước.

Xăng dầu nhập khẩu hiện nay chủ yếu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu FTA là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.

Với thuế giá trị gia tăng, pháp luật thuế giá trị gia tăng không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng mà chỉ quy định áp dụng thuế giá trị gia tăng theo hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng với 3 mức thuế suất. Việc quy định mức thuế suất thuế giá trị gia tăng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện chỉ có mặt hàng xăng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 10% (không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại). Riêng xăng sinh học E5 có mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 8% và xăng E10 là 7%. Đây là mức trung bình thấp so với nhiều nước và việc quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Về thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được áp dụng với xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diezel, dầu mazut và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học như xăng E5, E10-chứa 5%, 10% ethanol, chỉ tính thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng gốc hóa thạch kết cấu trong xăng sinh học.

Theo Bộ Tài chính, mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành cơ bản phù hợp với nguyên tắc xây dựng mức thuế bảo vệ môi trường quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường. Việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường với mục tiêu bình ổn giá cũng không thực sự phù hợp với bản chất của sắc thuế này, vì thuế bảo vệ môi trường là công cụ chính sách nhằm thu vào các sản phẩm gây tác động xấu đối với môi trường khi sử dụng.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng tăng cao trong thời gian gần đây cũng có thể cân nhắc đến điều chỉnh thuế xăng dầu để giảm giá nhưng cần nghiên cứu hết sức cẩn trọng bởi giảm thuế sẽ giảm khả năng chi tiêu cho phát triển, an sinh xã hội, ảnh hưởng tới cân đối ngân sách.

Giảm thuế xăng dầu - Cân nhắc kỹ đảm bảo phù hợp thực tiễn ảnh 2Một điểm bán xăng của Petrolimex chuẩn bị điều chỉnh giá. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng để giảm giá xăng dầu, tránh ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế đang bị ảnh hưởng dịch COVID-19 cần thông qua Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và thuế. Điều hành quỹ cần linh hoạt vì có thời điểm nhiều doanh nghiệp kinh doanh đầu mối cũng âm quỹ do chi quá nhiều. Đối với điều tiết về thuế, cần phải được tính toán, cân nhắc, bởi giảm thuế sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách. Mặt khác, để giảm thuế cần trình cấp có thẩm quyền xem xét nên không thể quyết trong trước mắt ngay được.

Còn theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế-tài chính cấp cao Học viện Tài chính, đề xuất về miễn giảm các loại thuế với xăng dầu cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng. Hạ thấp thuế đối với xăng dầu tạo sự không công bằng cho người sử dụng, khoét sâu hố ngăn cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. "Càng giảm thuế xăng dầu nhiều, những người có thu nhập cao càng được hỗ trợ nhiều hơn, người có thu nhập thấp được hỗ trợ ít hơn," chuyên gia nói.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng thuế đối với xăng dầu là chính sách dài hạn của Chính phủ để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm khí thải, đảm bảo sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên không thể tái tạo, điều tiết thu nhập trong nền kinh tế. Vì vậy, đề xuất giảm thuế xăng dầu cần được nghiên cứu cẩn trọng để đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét kỹ lưỡng.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Marketing cũng cho rằng nếu dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu sẽ dễ tạo ra sự không bình đẳng, không công bằng trong nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Văn Hiến vẫn phải cho giá xăng dầu điều chỉnh tiệm cận dần theo giá thế giới, nhưng không nên để bị tác động một cách quá mức đột ngột dẫn đến cú sốc từ bên ngoài. Về việc dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu, thực tế thuế được xem là một công cụ điều tiết kinh tế của Nhà nước nên cũng có thể dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu cũng là một mặt hàng kinh doanh bình thường cho nên phải theo quy luật của thị trường. Giảm thuế giống như một khoản trợ cấp nên nếu dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu sẽ dễ tạo ra sự không bình đẳng, không công bằng trong nền kinh tế.

Trong khi đó, dưới góc độ là cơ quan quản lý, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Chính sách Thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nên tính ổn định tương đối cao, áp dụng trong thời gian dài, trong khi giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục theo kỳ 10 ngày/lần, biên độ điều chỉnh lớn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo ông Trương Bá Tuấn, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan theo dõi sát sao diễn biến giá xăng dầu trên thị trường trong nước và thế giới để nghiên cứu, tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền về các chính sách có liên quan, đảm bảo phù hợp với bối cảnh và thực tiễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục