Rủi ro từ giao dịch “ngầm”

Giao dịch “ngầm” bất lợi cho nhà đầu tư nhỏ

Cùng với diễn biến khó lường của kinh tế vĩ mô, nhà đầu tư nhỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn phải đối mặt với rủi ro từ xu hướng đầu tư “ngầm".

Thị trường đang nổi lên 3 xu hướng đầu tư “ngầm” là xu hướng các nhà đầu tư lớn liên kết với nhau đẩy giá cổ phiếu, phối hợp với các công ty chứng khoán hoặc các doanh nghiệp niêm yết để cùng làm giá cổ phiếu.
Sang tháng 4, các nhà đầu tư nhỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ đối mặt với diễn biến khó lường của kinh tế vĩ mô mà còn phải đối mặt với rủi ro từ các xu hướng đầu tư “ngầm”.

Theo các nhà phân tích, kể từ khi thị trường chứng khoán bắt đầu vào xu hướng tăng (cuối tháng 1/2010), thị trường nổi lên 3 xu hướng đầu tư “ngầm” là xu hướng các VIP (nhà đầu tư lớn) liên kết với nhau đẩy giá cổ phiếu, xu hướng các công ty chứng khoán phối hợp với các VIP cùng làm giá, xu hướng các VIP phối hợp với các doanh nghiệp niêm yết làm giá.

“Đọc vị” cổ phiếu làm giá

Cho đến nay, các nhà đầu tư vẫn không khỏi “day dứt” về cổ phiếu PVA của Công ty cổ phiếu Dầu khí Nghệ An niêm yết trên sàn HNX. Với những tin tức đã công bố và giá trị cơ bản đã công khai, PVA chẳng có gì đặc biệt.

Nhưng theo một VIP thạo tin, PVA có rất nhiều tin tốt và đã được ít nhất là 2 nhóm VIP tranh giành quyền "vét" cổ phiếu và đẩy giá, theo đó, PVA được nhóm thứ nhất gom và đẩy giá từ cuối tháng 12/2009 với mức giá lúc đó là 25.000 đồng/cổ phiếu.

Nhóm thứ hai tiếp tục lao vào đẩy giá từ 40.000 đồng/cổ phiếu lên 50.000 đồng/cổ phiếu. Từ mức giá 50.000 đồng nhóm thứ nhất lại tiếp tục vòng 2. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4/2010, PVA đạt mức giá 61.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 100% trong hơn 3 tháng.

Để hỗ trợ cho “hiện tượng PVA", trên thị trường rỉ ra các tin đồn PVA đang nắm trong tay hàng chục dự án bất động sản lớn; PVA chuẩn bị ra tin lợi nhuận quý I/2010 rất “khủng”; PVA bán cổ phiếu cho các đối tác ngoại với giá khá cao…

Thấy “hơi đồng là mê”, không ít nhà đầu tư nhỏ nghe tin đồn đã liều mình lao vào PVA. Cùng với PVA, sàn HNX còn có cổ phiếu VTV của Công ty cổ phiếu Vật tư Vận tải Ximăng Hà Nội. VTV bắt đầu có hiện tượng lạ từ cuối tháng 12/2009.

Đặc biệt là từ ngày 10/3 đến 22/3/2010, cổ phiếu này tăng một mạch từ mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu lên 70.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tượng lạ - tăng giá kịch trần hơn 5 phiên liên tiếp - của VTV được lãnh đạo đơn vị này giải thích với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là hoạt động kinh doanh vẫn bình thường, không có gì đột biến. Có chăng, việc VTV tăng giá là do bà Nguyễn Kim Phượng, cổ đông lớn của VTV đăng ký mua 1,3 triệu cổ phiếu VTV với lý do tăng tỷ lệ sở hữu.

Trong “hiện tượng VTV”, vận may đã không mỉm cười với các nhà đầu tư nhỏ. Đạt giá 70.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/3, cổ phiếu này lại rơi sàn liên tiếp về giá 44.600 đồng/cổ phiếu ở phiên ngày 1/4. Rồi các nhà đầu tư tá hoả khi hay tin, bà Phượng không những không mua 1,3 triệu cổ phiếu mà còn nhanh tay bán ra toàn bộ 557.800 cổ phiếu đang sở hữu trong dịp VTV tăng giá.

Thủ phạm không dễ chỉ tên

Đến nay, cơ quan quản lý vẫn bó tay với hiện tượng làm giá và thừa nhận rất khó tìm bằng chứng bởi hiện tượng này nay đã tinh vi hơn rất nhiều.

Để hợp tác làm giá một cổ phiếu nào đó, việc đầu tiên là các VIP phải nắm được thông tin về cổ phiếu đó có lợi nhuận đột biến sắp công bố hay không, hoặc có dự án nào hứa hẹn khả năng mang lại lợi nhuận khổng lồ hay không.

Nếu có, bước 2, các VIP bắt đầu lần tìm ai là cổ đông lớn đang nắm nhiều cổ phiếu doanh nghiệp đó để thương thảo cùng làm giá. Nghĩa là cổ đông lớn cam kết không bán ra trong thời gian các VIP đẩy giá để việc đẩy giá đảm bảo thành công.

Bước 3, các VIP tính toán số cổ phiếu trôi nổi trên thị trường có bao nhiêu, cần gom bao nhiêu, để lại trên thị trường bao nhiêu để trong thời gian đẩy giá sẽ vét sạch số cổ phiếu trôi nổi đó.

Khi đã chuẩn bị đủ 3 bước, các VIP bắt đầu đẩy giá. Khi giá cổ phiếu đã đạt đến ngưỡng các chỉ báo kỹ thuật, các nhà đầu tư nhỏ coi là rủi ro, các VIP mới tung tin tốt ra đỡ giá. Khi thấy tin tốt, các nhà đầu tư nhỏ lao vào mua, các VIP từ từ xả ra chốt lời. Vụ làm giá khi đó kết thúc.

Kịch bản trên dường như rất khớp với diễn biến của “hiện tượng VTV”. Đầu tiên là cổ đông lớn công bố mua số lượng lớn cổ phiếu để các nhà đầu tư chú ý, rồi VTV bắt đầu được đẩy giá như là cổ đông đang thực hiện mua vào. Khi đang đẩy giá, lệnh mua VTV trên sàn bao giờ cũng dư mua hàng trăm nghìn cổ phiếu để các nhà đầu tư nhỏ không muốn bán cổ phiếu ra, vì nghĩ sức cầu đang mạnh.

Đồng thời, các tin tức về VTV được tung ra “nửa kín, nửa hở” như VTV sẽ được đánh lên giá 100 để thu hút các nhà đầu tư lao theo vì hiện tại, giá VTV dù tăng cũng mới chỉ đạt 60.000 đồng/cổ phiếu.

Cho đến khi khối lượng đặt mua VTV của các nhà đầu tư nhỏ đã khá lớn, VIP bắt đầu xả hàng và tung tin: “Dự kiến lợi nhuận từ tòa tháp đôi của VTV, phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội bình quân mỗi năm mang lại khoảng hơn 23 tỷ đồng lợi nhuận." Và VTV bắt đầu rơi giá sàn.

Bắt bẻ làm sao hiện tượng trên khi các VIP cũng giao dịch bình thường như các nhà đầu tư nhỏ khác? Cũng có tài khoản, cũng mua vào cổ phiếu công khai… còn khi các VIP “đi đêm” thống nhất với các thành viên trong “cuộc chơi” thì không ai biết được.

Chỉ khi cổ phiếu xảy ra hiện tượng lạ, các nhà đầu tư mới xâu chuỗi sự kiện lại và thấy sáng rõ ra hiện tượng làm giá. Theo ông Lưu Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Chứng khoán DoBF, cách bảo vệ vốn liếng tốt nhất đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ là không lao theo những cổ phiếu làm giá.

Không hiếm ví dụ cho thấy, cổ phiếu làm giá này có thể mang lại cho nhà đầu tư may mắn tới 50% lợi nhuận, nhưng khi sang cổ phiếu làm giá khác, nó cũng lại lấy đi rất nhanh khoản lợi nhuận kiếm được trước đó, thậm chí, khi không kiểm soát được, nhà đầu tư lao vào cổ phiếu sau với nguồn vốn lớn hơn nên tỷ lệ thua lỗ lại nặng hơn. Câu chuyện PVA và VTV trên là một minh chứng.

Không phải ai cũng luôn may mắn với cổ phiếu làm giá, trừ các VIP, những người đang làm chủ “cuộc chơi."

“Hãy tránh xa các cổ phiếu làm giá và nên đầu tư vào những cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt, minh bạch trên thị trường. Cách đầu tư chính thống sẽ giúp tài khoản nhà đầu tư sinh lời chậm và chắc. Còn lao vào cổ phiếu làm giá, “dục tốc” sẽ “bất đạt””, ông Dũng khuyến cáo./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục