Giao dịch qua sàn trái phiếu riêng lẻ đạt gần 270 tỷ đồng mỗi phiên

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã góp phần tăng tính thanh khoản của thị trường, đồng thời các dữ liệu trên hệ thống sẽ phục vụ việc hậu kiểm vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước.
Giao dịch qua sàn trái phiếu riêng lẻ đạt gần 270 tỷ đồng mỗi phiên ảnh 1Giao dịch qua sàn trái phiếu riêng lẻ đạt gần 270 tỷ đồng mỗi phiên. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, đến ngày 15/9/2023, đã có 54 mã trái phiếu của 15 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch qua hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với giá trị giao dịch bình quân khoảng 267 tỷ đồng/phiên.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng Bộ Tài chính đánh giá, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã góp phần tăng cường tính thanh khoản của thị trường, đồng thời các dữ liệu trên hệ thống sẽ phục vụ việc hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với những vi phạm có thể phát sinh.

Tuy nhiên, đến hiện tại, giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đăng ký giao dịch trên HNX chỉ đạt khoảng 5% tổng giá trị trái phiếu phải đăng ký trên thị trường.

[Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn]

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong quá trình xây dựng và vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Trong thời gian tới, việc đưa toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào đăng ký giao dịch trên hệ thống theo quy định là áp lực rất lớn đối với các đơn vị thực hiện. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các tổ chức phát hành cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ.

Đặc biệt, các tổ chức phát hành phải có trách nhiệm đưa trái phiếu đã phát hành riêng lẻ vào giao dịch tập trung để đảm bảo quyền lợi cao nhất của trái chủ đúng theo quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng Bộ Tài chính, hiện còn nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu, chậm thực hiện nghĩa vụ trái phiếu đối với nhà đầu tư trong thời gian vừa qua.

Bộ Tài chính đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đến hạn lớn trong năm 2022 và 2023 và thường xuyên có các văn bản đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí, cân đối các nguồn lực tài chính để thanh toán bằng được nghĩa vụ trái phiếu với nhà đầu tư.

Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công an để đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc vi phạm để sớm có phương án xử lý thanh toán tiền cho nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp có vi phạm trong thời gian qua.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý để tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo tính minh bạch của thị trường cũng như tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để có các giải pháp ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản, kiểm soát lạm phát để duy trì động lực phát triển kinh tế, ông Dương cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục