Giao lưu trực tuyến về Hoàng Thành Thăng Long

Ngày 11/8 , Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức giao lưu trực tuyến "Hoàng Thành Thăng Long-Di sản văn hóa thế giới."
Ngày 11/8 tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức giao lưu trực tuyến "Hoàng Thành Thăng Long-Di sản văn hóa thế giới."

Đến dự buổi giao lưu có sự tham gia của giáo sư Sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, phó giáo sư-tiến sĩ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học-Viện Khoa học xã hội Việt Nam; ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa-Thành cổ.

Sự kiện Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngay trước thềm Kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đang là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân thủ đô Hà Nội nói riêng.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng đã nói về những cảm xúc dâng trào của đoàn đại biểu Việt Nam tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức tại thủ đô Brazilia (Brazil) khi 21 thành viên của Ủy ban Di sản đồng thuận nhất trí (không phải bỏ phiếu) giơ tay đồng ý công nhận Khu Di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.

Trả lời câu hỏi của đông đảo khán giả trong cả nước, giáo sư Phan Huy Lê và phó giáo sư-tiến sĩ Tống Trung Tín đã trình bày khái quát về Khu Di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; những giá trị vật chất, văn hóa, tiêu chí để Việt Nam bảo vệ trước Ủy ban Di sản thế giới công nhận Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.

Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam đều nhấn mạnh đến tiêu chí, Khu Di tích Trung tâm Hoàng Thành thăng Long là nơi bao gồm nhiều tầng văn hóa chồng xếp, đan xen nhau trong suốt thời gian liên tục hơn 1.000 năm lịch sử; đây cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa trong khu vực và trên thế giới, nơi hội tụ bản sắc văn hóa người Việt. Di sản không chỉ là sự hiện diện của quá khứ mà còn là những biểu hiện cụ thể của các di vật thời đại hôm nay.

Ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã làm hài lòng những ai quan tâm về quá trình triển khai viết hồ sơ, thẩm định khoa học, giải thích với Ủy ban kỹ thuật của UNESCO, bảo vệ hố sơ trước UNESCO, bảo vệ di sản... mà đoàn Việt Nam đã tiến hành trong suốt hơn bốn năm qua.

Ông Phạm Sanh Châu cũng thông tin với những người quan tâm đến Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long là khi Khu di tích được công nhận là di sản văn hóa thế giới, ngoài ý nghĩa lớn lao là niềm tự hào đối với người dân Việt Nam, người dân thủ đô Hà Nội về giá trị văn hóa và lịch sử; Khu Di sản văn hóa thế giới chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào phát triển du lịch của Hà Nội trong tương lai.

Đặc biệt, Khu Di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long được thừa nhận và đảm bảo bằng Công ước quốc tế đối với một di sản thế giới - di sản mang tính toàn cầu.

Nhân dịp này, ông Châu cũng thông tin về những cố gắng hết mình của các nhà khoa học, các chuyên gia; các tập thể, cá nhân, các đơn vị của Trung ương và Hà Nội, một số cá nhân và tổ chức quốc tế... đã phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình khảo sát khoa học, lập hồ sơ và bảo vệ hồ sơ để Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long trở thành Di sản văn hóa thế giới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ngô Thanh Hằng, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Tống Trung Tín, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa-Thành cổ Nguyễn Văn Sơn cũng trình bày rõ về những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài trong kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử đối với Khu Di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cũng khẳng định cam kết của Hà Nội với Chính phủ và nhân dân cả nước, trong việc thực hiện tám cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản văn hóa thế giới.

Bà Hằng cũng cho biết, kế hoạch của Hà Nội trong việc tuyên truyền quảng bá Di sản văn hóa thế giới đối với mọi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế; kế hoạch tổ chức lễ đón nhận danh hiệu cao quý của UNESCO trước ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà nội./.

Công Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục