Giáo sư Leslie Valiant - “Cha đẻ” lý thuyết học máy đến Việt Nam

Theo lời mời của Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBDI), giáo sư Leslie Valiant – người khai sinh ra lý thuyết học máy đã đến Việt Nam và có bài giảng mang tên “Lý thuyết học máy cần thêm gì nữa?”
Giáo sư Leslie Valiant - “Cha đẻ” lý thuyết học máy đến Việt Nam ảnh 1Giáo sư Leslie Valiant đã có bài thuyết trình “Lý thuyết học máy cần thêm gì nữa?”(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 13/1, Giáo sư Đại học Harvard, Leslie Valiant – người khai sinh ra lý thuyết Machine Learning (Học máy) đã có một bài trình bày đặc biệt tại cuộc hội thảo về khoa học máy tính, học máy, trí tuệ nhân tạo được tổ chức tại Hà Nội.

Với bài thuyết trình này, Giáo sư Leslie Valiant đã mở đầu cuộc hội thảo về khoa học máy tính, học máy, trí tuệ nhân tạo chủ do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VINBDI) tổ chức, thu hút hàng trăm nhà khoa học, các giảng viên và các nhà nghiên cứu trẻ.

Sau bài thuyết trình, Giáo sư Leslie Valiant cũng đã tham gia cuộc tọa đàm mở, được dẫn dắt bởi Giáo sư Vũ Hà Văn (Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn - VinBDI), cùng với sự tham dự của Giáo sư Dương Nguyên Vũ (Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý không lưu của Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) và Tiến sỹ Bùi Hải Hưng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu VinAI).

Các giáo sư đã cùng thảo  luận về các nghiên cứu đột phá thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, học máy, trí tuệ nhân tạo và tác động, triển vọng ứng dụng của chúng tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.  

Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Leslie Valiant và Giáo sư Dưỡng Nguyên Vũ, Giáo sư Bùi Hải Hưng đều chia sẻ quan điểm Việt Nam là một quốc gia có nền toán học phát triển, có nhiều tài năng toán học, có nền tảng để phát triển toán học. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển các ứng dụng công nghệ mới trên nền tảng công nghệ thông tin và toán học như trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn…

Đại diện Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VINBDI cho biết việc mời các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến Việt Nam giảng bài, thuyết trình là một nội dung trong chương trình thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là ở những lĩnh vực công nghệ mới tại Việt Nam, nhằm tạo ra những cơ hội mở rộng quan hệ trao đổi, hợp tác, dự án nghiên cứu… cho các nhà khoa học trong nước.

Giáo sư Leslie Valiant - “Cha đẻ” lý thuyết học máy đến Việt Nam ảnh 2Các giáo sư đã cùng thảo  luận về các nghiên cứu đột phá thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, học máy, trí tuệ nhân tạo,... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo đại diện VINBDI, việc các nhà khoa học hàng đầu thế giới, những người đã giành những giải thưởng lớn như Nobel và tương đương đến Việt Nam sẽ góp phần  truyền cảm hứng, trao đổi để đưa ra những định hướng, tầm nhìn, góp phần thúc đẩy cộng đồng nghiên cứu khoa học trong nước có những định hướng nghiên cứu ngắn hạn và dài hạn phù hợp với bước phát triển của những lĩnh vực công nghệ cao trên thế giới.

Chính vì lẽ đó, hàng năm VINBDI sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo khoa học và mời một số các nhà khoa học hàng đầu thế giới ở các lĩnh vực khác nhau đến Việt Nam làm việc.

Chia sẻ về những định hướng nghiên cứu trong thời gian tới, đại diện VINBDI cho biết các dự án nghiên cứu của Viện sẽ đồng thời triển khai những nghiên cứu ngắn hạn mang tính ứng dụng phục vụ cộng đồng, tạo ra những sản phẩm công nghệ có thể sử dụng được ngay.

Mặt khác, Viện cũng sẽ đầu tư lâu dài cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cho nghiên cứu khoa học, các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản dài hạn… trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, lấy khoa học công nghệ làm yếu tố cạnh tranh./.

Giáo sư Leslie Valiant  hiện đang làm việc tại Đại học Harvard (Mỹ), là thành viên của Hiệp hội Hoàng gia (London) và Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Mỹ).

Ông là chủ nhân giải thưởng Turing (A. M. Turing Award), giải thưởng tương tự Nobel trong lĩnh vực Khoa học máy tính.

Sinh năm 1949 tại Hungary, Giáo sư Leslie Valiant được coi là một trong những người khai sinh ra lý thuyết học máy, trở thành nền tảng của các ứng dụng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hiện nay.

Giáo sư Leslie Valiant đã có 40 năm nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lý thuyết đo độ phức tạp của thuật toán, học máy và tính toán song song.

Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Leslie Valiant từng nhận nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Nevanlinna tại Đại hội các nhà Toán học quốc tế năm 1986, Giải thưởng Knuth năm 1997, Giải thưởng EATCS về Khoa học máy tính lý thuyết châu Âu năm 2008.

Đặc biệt, năm 2011, ông vinh dự nhận giải thưởng mà giới nghiên khoa học máy tính đều hướng tới: giải Turing do Hiệp hội khoa học máy tính Mỹ (ACM) trao tặng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục