Giao tranh giữa Israel-Hamas tiếp tục nổ ra quanh bệnh viện Al-Shifa

Đại tá Moshe Tetro của Israel cho biết khu vực phía Đông của bệnh viện luôn mở cửa cho bất kỳ ai muốn sơ tán an toàn.

Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza ngày 7/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza ngày 7/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một quan chức Bộ Quốc phòng Israel ngày 11/11 khẳng định lực lượng nước này không nổ súng vào bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza nhưng có xung đột với các tay súng Hamas xung quanh bệnh viện này, đồng thời cho biết người dân ở đó vẫn có thể rời bệnh viện một cách an toàn.

Trong thông điệp qua video bằng tiếng Arab, Đại tá Moshe Tetro của COGAT, một cơ quan của Bộ Quốc phòng Israel có vai trò liên lạc với người Palestine về các vấn đề dân sự, cho biết khu vực phía Đông của bệnh viện luôn mở cửa cho bất kỳ ai muốn sơ tán an toàn.

Cùng ngày, Tổ chức các bác sỹ vì nhân quyền Israel thông báo hai trẻ sơ sinh đã tử vong do bệnh viện lớn nhất Gaza bị cắt điện, khi giao tranh diễn ra ác liệt xung quanh bệnh viện Al-Shifa.

Thông báo nêu rõ: "Do thiếu điện, phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh đã ngừng hoạt động. Hai trẻ sơ sinh đã tử vong, trong khi tính mạng của 37 trẻ sơ sinh khác thực sự có nguy cơ bị đe dọa."

Trao đổi với hãng tin AFP qua điện thoại, các nhân chứng tại bệnh viện cho biết tiếng súng và các cuộc không kích vang lên không ngớt, khiến mọi người không thể di chuyển ngay cả trong bệnh viện.

Trước đó, các hoạt động tại bệnh viện Al-Shifa lớn nhất của Dải Gaza đã dừng lại do hết nhiên liệu trong lúc quân đội Israel siết vòng vây quanh bệnh viện vì cho rằng Hamas đặt trung tâm chỉ huy ở bên dưới.

Hàng nghìn dân thường được cho là đang trú ẩn trong các tòa nhà thuộc bệnh viện Al-Shifa nhưng hôm 10/11, nhiều người đã rời đi khi quân đội Israel áp sát và mở rộng đường sơ tán an toàn xuống phía Nam Dải Gaza.

Tuần hành rầm rộ tại nhiều nước châu Âu ủng hộ người dân Palestine

Trong ngày 11/11, các cuộc tuần hành với quy mô lớn diễn ra tại nhiều nước châu Âu nhằm phản đối xung đột Hamas-Israel nhân Ngày đình chiến, tức ngày đánh dấu chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (11/11/1918).

Tại thủ đô Brussels của Bỉ, hơn 20.000 người đã tham gia các cuộc tuần hành hòa bình, thể hiện sự ủng hộ với người dân Palestine, kêu gọi các nước Liên minh châu Âu cần có quan điểm cân bằng trong giải quyết vấn đề giữa Israel và Palestine.

Thủ đô London của Anh chứng kiến các cuộc tuần hành của khoảng 300.000 người nhằm ủng hộ người dân Palestine. Người tuần hành kêu gọi lệnh ngừng bắn đối tại Dải Gaza và yêu cầu Israel ngừng ném bom vùng đất này.

Chính quyền thủ đô London đã phải triển khai 1.850 cảnh sát để đảm bảo an ninh trật tự. Lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ hơn 100 người quá khích liên quan đến các cuộc tuần hành trên. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi người tuần hành cần hành động một cách ôn hòa.

Một thành phố châu Âu khác là thủ đô Paris của Pháp cũng diễn ra các cuộc tuần hành nhằm phản đối xung đột Hamas-Israel. Hàng nghìn người biểu tình tại Paris đã nêu cao các biểu ngữ yêu cầu một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người dân Palestine.

Bên cạnh Paris, các cuộc tuần hành cũng diễn ra tại thành phố khác của Pháp như Marseille, Toulouse, Rennes, Bordeaux và Lyon.

Thổ Nhĩ Kỳ và Đức kêu gọi ngừng bắn và viện trợ nhân đạo tại Gaza

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 11/11 cho rằng cần tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế để tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột tại Trung Đông. Nội dung này được ông Erdogan đưa ra trong phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh chung bất thường của Liên đoàn Arab (AL) và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) bàn về tình hình tại Dải Gaza tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

ttxvn_dai gaza (2).jpg
Người dân ở miền Trung Dải Gaza sơ tán về phía Nam tránh xung đột, ngày 8/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bên cạnh đó, Tổng thống Erdogan tái khẳng định lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza. Ông cho biết: "Việc cấp thiết ở Gaza không phải là lệnh ngừng bắn tạm thời trong vài giờ mà là lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.”

Bên lề hội nghị thượng đỉnh, ông Erdogan đã có cuộc hội đàm song phương với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Tại các cuộc hội đàm này, ông Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác trong việc cung cấp các dịch vụ y tế và viện trợ nhân đạo cho Gaza.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã khuyến nghị cộng đồng quốc tế nên tập trung vào giải pháp giúp hạn chế tác động của các hoạt động quân sự ở Gaza đối với dân thường. Ngoại trưởng Baerbock đưa ra phát biểu này nhân chuyến thăm tới 3 nước Trung Đông là Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia.

Cùng với đó, Ngoại trưởng Đức cho rằng các lệnh ngừng bắn nhân đạo là cần thiết để đưa viện trợ vào Gaza và bảo vệ sinh mạng dân thường. Đồng thời, bà Baerbock cũng khẳng định sẽ tiếp tục đề xuất nội dung này với các nước Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu bên lề Đại hội đảng Xã hội châu Âu (PES) diễn ra tại thành phố Malaga (Tây Ban Nha) ngày 11/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi tạm dừng giao tranh ở Dải Gaza để mở đường cho viện trợ nhân đạo.

Trong video được phát tại Đại hội ở Malaga, ông Josep Borrell, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu kiêm Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, cũng cho rằng việc cắt nguồn cung cấp nước, thực phẩm, điện và nhiên liệu cho toàn bộ người dân Gaza là “không thể chấp nhận được."

Ông Borrell nhấn mạnh Israel phải "tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và cố gắng giảm thiểu số thương vong dân sự."

Khu vực Trung Đông rơi vào tình trạng căng thẳng kể từ khi các chiến binh của phong trào Hamas tấn công Israel hôm 7/10 khiến nhiều người thương vong.

Kể từ đó, Israel đã leo thang một cuộc tấn công trả đũa vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát. Cuộc xung đột đến nay đã làm hàng chục người thiệt mạng ở cả hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục