Trong động thái mới nhất nhằm "hạ nhiệt" những tranh cãi xung quanh việc chính phủ Mỹ thu thập thông tin về công dân Mỹ và những người sống trên đất Mỹ, nhờ sự giúp sức của các "đại gia Internet," ngày 6/6, Nhà Trắng đã chính thức bác bỏ cáo buộc trên với lập luận đạo luật thu thập các cuộc thoại từ các công ty Internet chỉ được áp dụng đối với "những cá nhân không phải là người Mỹ sống bên ngoài lãnh thổ Mỹ."
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Barack Obama khẳng định chương trình thu thập thông tin của người dùng Internet - gọi tắt là PRISM - được theo dõi sát sao bởi nhiều cơ quan, bao gồm Quốc hội, Cơ quan Giám sát Tình báo Ngoại quốc và Cơ quan Hành pháp.
Trước khi được đưa vào sử dụng, PRISM đã phải thông qua sự chấp thuận của tòa án để đảm bảo rằng chương trình này chỉ được áp dụng đối với "những cá nhân không phải công dân Mỹ và sống bên ngoài lãnh thổ Mỹ." Những quy định chặt chẽ này nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra việc thu thập, lưu giữ và phát tán dữ liệu cá nhân của các công dân Mỹ.
Cũng theo quan chức trên, trong quá trình hoạt động, PRISM từng cung cấp những thông tin tình báo quan trọng bậc nhất giúp bảo vệ nước Mỹ khỏi nhiều hiểm họa khác nhau.
Trước đó, tờ Bưu điện Washington (The Washington Post) của Mỹ và tờ Người bảo vệ (The Guardian) của Anh đưa tin Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ đã trực tiếp xâm nhập vào máy chủ của các hãng Internet khổng lồ - trong đó có Microsoft, Google, Facebook và Apple - để kiểm tra các đoạn phim, ảnh, thư điện tử và nhiều tài liệu khác của người dùng Internet, kể cả của công dân Mỹ.
Theo hai tờ báo trên, chương trình này được thành lập từ năm 2007 và đến nay đã trở thành nguồn cung cấp tin tức chính cho các báo cáo hàng ngày trình Tổng thống Obama.
Ngoài ra, tờ Người bảo vệ của Anh còn tiết lộ thêm rằng, các cơ quan tình báo Mỹ đã yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ di động Verizon hàng ngày phải cung cấp cho NSA thông tin về tất cả các cuộc điện thoại trong hệ thống của hãng, cả bên trong nước Mỹ và giữa Mỹ với các nước khác.
Những thông tin này đã lập tức gây ra tranh cãi và phản đối mạnh mẽ trong người dân Mỹ, cho dù Nhà Trắng đã khẳng định đây chỉ là công cụ để chống khủng bố.
Phản bác các thông tin trên, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho biết những bài viết đăng tải trên hai tờ báo có nhiều điểm sai lệch và bỏ sót nhiều thông tin quan trọng, đặc biệt là cách thức PRISM được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố, cũng như các biện pháp được các cơ quan tình báo áp dụng để đảm bảo sự tự do và riêng tư của công dân Mỹ.
Ông Clapper cũng phê phán việc hai tờ báo tự ý tiết lộ thông tin về chương trình PRISM, coi đây là hành động "đáng khiển trách" và đe dọa hệ thống an ninh quốc gia Mỹ./.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Barack Obama khẳng định chương trình thu thập thông tin của người dùng Internet - gọi tắt là PRISM - được theo dõi sát sao bởi nhiều cơ quan, bao gồm Quốc hội, Cơ quan Giám sát Tình báo Ngoại quốc và Cơ quan Hành pháp.
Trước khi được đưa vào sử dụng, PRISM đã phải thông qua sự chấp thuận của tòa án để đảm bảo rằng chương trình này chỉ được áp dụng đối với "những cá nhân không phải công dân Mỹ và sống bên ngoài lãnh thổ Mỹ." Những quy định chặt chẽ này nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra việc thu thập, lưu giữ và phát tán dữ liệu cá nhân của các công dân Mỹ.
Cũng theo quan chức trên, trong quá trình hoạt động, PRISM từng cung cấp những thông tin tình báo quan trọng bậc nhất giúp bảo vệ nước Mỹ khỏi nhiều hiểm họa khác nhau.
Trước đó, tờ Bưu điện Washington (The Washington Post) của Mỹ và tờ Người bảo vệ (The Guardian) của Anh đưa tin Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ đã trực tiếp xâm nhập vào máy chủ của các hãng Internet khổng lồ - trong đó có Microsoft, Google, Facebook và Apple - để kiểm tra các đoạn phim, ảnh, thư điện tử và nhiều tài liệu khác của người dùng Internet, kể cả của công dân Mỹ.
Theo hai tờ báo trên, chương trình này được thành lập từ năm 2007 và đến nay đã trở thành nguồn cung cấp tin tức chính cho các báo cáo hàng ngày trình Tổng thống Obama.
Ngoài ra, tờ Người bảo vệ của Anh còn tiết lộ thêm rằng, các cơ quan tình báo Mỹ đã yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ di động Verizon hàng ngày phải cung cấp cho NSA thông tin về tất cả các cuộc điện thoại trong hệ thống của hãng, cả bên trong nước Mỹ và giữa Mỹ với các nước khác.
Những thông tin này đã lập tức gây ra tranh cãi và phản đối mạnh mẽ trong người dân Mỹ, cho dù Nhà Trắng đã khẳng định đây chỉ là công cụ để chống khủng bố.
Phản bác các thông tin trên, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho biết những bài viết đăng tải trên hai tờ báo có nhiều điểm sai lệch và bỏ sót nhiều thông tin quan trọng, đặc biệt là cách thức PRISM được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố, cũng như các biện pháp được các cơ quan tình báo áp dụng để đảm bảo sự tự do và riêng tư của công dân Mỹ.
Ông Clapper cũng phê phán việc hai tờ báo tự ý tiết lộ thông tin về chương trình PRISM, coi đây là hành động "đáng khiển trách" và đe dọa hệ thống an ninh quốc gia Mỹ./.
(TTXVN)