Trong phiên họp đặc biệt của Ủy ban các vấn đề kinh tế thuộc Nghị viện châu Âu, diễn ra ngày 29/8 tại Brussels (Bỉ), các nhà hoạch định chính sách khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã hối thúc các chính phủ trong khu vực triển khai nhanh gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp, cũng như các biện pháp nhằm bảo vệ đồng euro trước cuộc khủng hoảng nợ, trong bối cảnh thỏa thuận giải cứu Hy Lạp đang bị đe dọa bởi các vấn đề.
Eurozone dự định tới đầu tháng 9/2011 sẽ triển khai gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp và "tăng cường năng lực" cho quỹ giải cứu nợ của khối, sau khi các nhà lãnh đạo Eurozone tại một cuộc họp bất thường ngày 21/7 đã nhất trí bơm thêm 159 tỷ euro nhằm cứu Hy Lạp khỏi vỡ nợ và hy vọng nỗ lực này sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan ra khắp châu Âu.
Eurozone buộc phải xem xét gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp sau khi gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Athens hồi tháng 5/2010 không đủ mạnh để giúp kinh tế nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.
Tuy nhiên, giữa lúc Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet, Ủy viện phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Olli Rehn và Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker (Chủ tịch nhóm các bộ trường tài chính Eurozone) đều cam kết nhanh chóng thực thi gói giải cứu cho Hy Lạp, gói giải cứu mới này đang rơi vào tình trạng ngưng trệ, do Phần Lan yêu cầu Chính phủ Hy Lạp phải cung cấp những đảm bảo đối với các khoản vay để đổi lấy phần đóng góp của Hensinki cho gói cứu trợ thứ hai.
Dù Phần Lan đã từ bỏ yêu cầu đòi Hy Lạp ký kết thỏa thuận tín dụng song phương, sau khi các nước Eurozone cảnh báo một thỏa thuận như vậy đe dọa gói cứu trợ thứ hai của EU dành cho Athens, nhưng các cuộc thương lượng vẫn đang tiếp diễn để tìm kiếm một giải pháp khác.
Phần Lan còn cho rằng gói giải cứu mới cũng phải được thông qua tại quốc hội của tất cả các nước Eurozone.
Phát biểu tại cuộc họp của Nghị viện châu Âu, Chủ tịch ECB Trichet nhấn mạnh: "Thỏa thuận giữa các chính phủ trong cuộc họp bất thường hôm 21/7 sẽ được thực thi một cách đầy đủ và kịp thời. Trong khi một dàn xếp đặc biệt dành cho Hy Lạp đã được đưa ra, thì quyết tâm không gì có thể lay chuyển của tất cả các chính phủ Eurozone thực thi đầy đủ cam kết của họ là vấn đề then chốt trong việc đưa khu vực trở lại với tình hình tài chính khoẻ mạnh và bền vững, cũng như góp phần đưa đến các điều kiện thị trường ổn định. Tôi đã hối thúc các nước thành viên nhanh chóng thực thi các quyết định đó để sớm tăng cường năng lực cho Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF)."
Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Eurozone ngày 21/7 đã quyết định mở rộng phạm vi của EFSF nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai bằng cách cho phép cơ chế này mua trái phiếu của các quốc gia đang gặp khó khăn trong Eurozone trên thị trường thứ cấp.
ECB dù muốn hay không đã phải thực thi vai trò này.
Riêng trong tháng 8/2011, ECB đã mua hàng tỷ euro trái phiếu của các nước thành viên trong khu vực, sau khi giới thị trường lo ngại sức khỏe tài chính của Italy và Tây Ban Nha đã làm cho chi phí đi vay của hai nước này tăng vọt.
Ông Juncker, Chủ tịch nhóm các bộ trường tài chính Eurozone, nói rằng các nhà đàm phán gần đạt được đồng thuận về yêu cầu của Phần Lan đối với Hy Lạp, song ông không cho biết các chi tiết.
Tại Hội nghị bất thường ngày 21/7, các nhà lãnh đạo Eurozone đã thông qua gói giải cứu trị giá 109 tỷ euro cho Hy Lạp nhằm giúp nước này khỏi bị vỡ nợ, với khu vực tư nhân đóng góp 50 tỷ euro khác.
Khoản cứu trợ này được đưa ra dưới hình thức lãi suất thấp và kỳ hạn thanh toán được gia hạn nhằm cải thiện tối đa khả năng chống chọi nợ và tái cơ cấu tài chính của Hy Lạp.
Để nới lỏng việc thanh toán nợ cho Hy Lạp đối với các khoản vay khẩn cấp này, các nhà lãnh đạo Eurozone nhất trí gia hạn thời gian trả nợ từ 7,5 năm lên tối đa 30 năm trong một số trường hợp, với lãi suất 3,5%.
Trước đó, Hy Lạp và Ireland đã nhiều lần đề nghị EFSF áp dụng các điều kiện cho vay dễ dàng hơn, để giúp họ khôi phục sức mạnh của khu vực tài chính.
Cũng tại cuộc họp của Nghị viện châu Âu, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Olli Rehn nói rằng sự xáo trộn trên các thị trường tài chính toàn cầu đang đe doạ sự phục hồi kinh tế của EU.
Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, nguy cơ kinh tế Mỹ rơi trở lại suy thoái, và sức khỏe của các ngân hàng châu Âu.
Trong khi đó, ông Trichet nhận định kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng nhưng chỉ ở mức vừa phải, do những căng thẳng trên các thị trường tài chính./.
Eurozone dự định tới đầu tháng 9/2011 sẽ triển khai gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp và "tăng cường năng lực" cho quỹ giải cứu nợ của khối, sau khi các nhà lãnh đạo Eurozone tại một cuộc họp bất thường ngày 21/7 đã nhất trí bơm thêm 159 tỷ euro nhằm cứu Hy Lạp khỏi vỡ nợ và hy vọng nỗ lực này sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan ra khắp châu Âu.
Eurozone buộc phải xem xét gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp sau khi gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Athens hồi tháng 5/2010 không đủ mạnh để giúp kinh tế nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.
Tuy nhiên, giữa lúc Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet, Ủy viện phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Olli Rehn và Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker (Chủ tịch nhóm các bộ trường tài chính Eurozone) đều cam kết nhanh chóng thực thi gói giải cứu cho Hy Lạp, gói giải cứu mới này đang rơi vào tình trạng ngưng trệ, do Phần Lan yêu cầu Chính phủ Hy Lạp phải cung cấp những đảm bảo đối với các khoản vay để đổi lấy phần đóng góp của Hensinki cho gói cứu trợ thứ hai.
Dù Phần Lan đã từ bỏ yêu cầu đòi Hy Lạp ký kết thỏa thuận tín dụng song phương, sau khi các nước Eurozone cảnh báo một thỏa thuận như vậy đe dọa gói cứu trợ thứ hai của EU dành cho Athens, nhưng các cuộc thương lượng vẫn đang tiếp diễn để tìm kiếm một giải pháp khác.
Phần Lan còn cho rằng gói giải cứu mới cũng phải được thông qua tại quốc hội của tất cả các nước Eurozone.
Phát biểu tại cuộc họp của Nghị viện châu Âu, Chủ tịch ECB Trichet nhấn mạnh: "Thỏa thuận giữa các chính phủ trong cuộc họp bất thường hôm 21/7 sẽ được thực thi một cách đầy đủ và kịp thời. Trong khi một dàn xếp đặc biệt dành cho Hy Lạp đã được đưa ra, thì quyết tâm không gì có thể lay chuyển của tất cả các chính phủ Eurozone thực thi đầy đủ cam kết của họ là vấn đề then chốt trong việc đưa khu vực trở lại với tình hình tài chính khoẻ mạnh và bền vững, cũng như góp phần đưa đến các điều kiện thị trường ổn định. Tôi đã hối thúc các nước thành viên nhanh chóng thực thi các quyết định đó để sớm tăng cường năng lực cho Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF)."
Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Eurozone ngày 21/7 đã quyết định mở rộng phạm vi của EFSF nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai bằng cách cho phép cơ chế này mua trái phiếu của các quốc gia đang gặp khó khăn trong Eurozone trên thị trường thứ cấp.
ECB dù muốn hay không đã phải thực thi vai trò này.
Riêng trong tháng 8/2011, ECB đã mua hàng tỷ euro trái phiếu của các nước thành viên trong khu vực, sau khi giới thị trường lo ngại sức khỏe tài chính của Italy và Tây Ban Nha đã làm cho chi phí đi vay của hai nước này tăng vọt.
Ông Juncker, Chủ tịch nhóm các bộ trường tài chính Eurozone, nói rằng các nhà đàm phán gần đạt được đồng thuận về yêu cầu của Phần Lan đối với Hy Lạp, song ông không cho biết các chi tiết.
Tại Hội nghị bất thường ngày 21/7, các nhà lãnh đạo Eurozone đã thông qua gói giải cứu trị giá 109 tỷ euro cho Hy Lạp nhằm giúp nước này khỏi bị vỡ nợ, với khu vực tư nhân đóng góp 50 tỷ euro khác.
Khoản cứu trợ này được đưa ra dưới hình thức lãi suất thấp và kỳ hạn thanh toán được gia hạn nhằm cải thiện tối đa khả năng chống chọi nợ và tái cơ cấu tài chính của Hy Lạp.
Để nới lỏng việc thanh toán nợ cho Hy Lạp đối với các khoản vay khẩn cấp này, các nhà lãnh đạo Eurozone nhất trí gia hạn thời gian trả nợ từ 7,5 năm lên tối đa 30 năm trong một số trường hợp, với lãi suất 3,5%.
Trước đó, Hy Lạp và Ireland đã nhiều lần đề nghị EFSF áp dụng các điều kiện cho vay dễ dàng hơn, để giúp họ khôi phục sức mạnh của khu vực tài chính.
Cũng tại cuộc họp của Nghị viện châu Âu, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Olli Rehn nói rằng sự xáo trộn trên các thị trường tài chính toàn cầu đang đe doạ sự phục hồi kinh tế của EU.
Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, nguy cơ kinh tế Mỹ rơi trở lại suy thoái, và sức khỏe của các ngân hàng châu Âu.
Trong khi đó, ông Trichet nhận định kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng nhưng chỉ ở mức vừa phải, do những căng thẳng trên các thị trường tài chính./.
Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)