Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 11/5, Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã tổ chức Hội thảo bàn tròn với chủ đề "Xung đột trên Biển Đông trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương."
Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học đầu ngành của các viện và trung tâm nghiên cứu về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), luật pháp quốc tế... cùng đại diện của nhiều cơ quan truyền thông sở tại.
Tại hội thảo, các đại biểu phân tích những diễn biến thời gian gần đây trên Biển Đông, đồng thời thảo luận triển vọng giải quyết vấn đề.
Các chuyên gia khẳng định cuộc xung đột trên Biển Đông đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định và an ninh toàn cầu, bởi bên cạnh các quốc gia có tuyên bố chủ quyền thì đây là nơi hội tụ lợi ích của các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc.
Điểm khiến các đại biểu tham dự lo ngại đó là những hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là việc Bắc Kinh lần đầu tiên triển khai hệ thống tên lửa trong khu vực tranh chấp, cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.
Phát biểu tại hội thảo, ông Grigory Lokshin - Chuyên viên cao cấp Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga cho rằng đã có những tiến bộ nhất định khi Trung Quốc đã bắt đầu cho thấy thiện chí và tiếp xúc với ASEAN ở cấp đa phương, điều Bắc Kinh luôn né tránh trước đây, để xây dựng niềm tin và thúc đẩy các dự án chiến lược trong khu vực Biển Đông.
Chuyên gia Lokshin cho rằng Trung Quốc đang vận dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt," sử dụng "quyền lực mềm" qua đó thắt chặt các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
[Các Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố mạnh mẽ về tình hình Biển Đông]
Trong bài tham luận nhan đề "Hiện trạng của luật pháp quốc tế có tính đến quyết định của Tòa Trọng tài ở La Haye về cuộc xung đột trên Biển Đông,” ông Pavel Gudev - chuyên gia Luật quốc tế của Viện nghiên cứu quốc gia về Quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới Primakov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng quyết định của Tòa Trọng tài ở La Haye đã cho thấy rõ tính bất hợp pháp của các tuyên bố của Trung Quốc đối với 80% diện tích mặt nước của Biển Đông.
Đồng thời, các hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực như Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) đều nhiều lần bày tỏ lo ngại về các hành động của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo, quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Chuyên gia khẳng định Trung Quốc đang tận dụng tối đa lợi thế ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao và kinh tế để thuyết phục các nước không ủng hộ quyết định của Tòa Trọng tài ở La Haye.
Kết thúc bài tham luận, từ quan điểm luật pháp quốc tế hiện đại, chuyên gia Gudev nhấn mạnh Trung Quốc không nên can thiệp hoạt động kinh tế của các nước láng giềng tại các khu vực tranh chấp, đặc biệt là việc ngăn cản các ngư dân Philippines, Việt Nam đánh cá trong khu vực truyền thống của các nước này.
Trong khi đó, Giáo sư khoa quan hệ quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao Nga MGIMO Ekaterinna Koldunov cho rằng yếu tố quan trọng nhất để giảm căng thẳng trong quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng là xây dựng và ký kết thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo chuyên gia này, quá trình chuẩn bị COC đang bị đình trệ và gặp một số khó khăn, nhưng xét tới kết quả các cuộc họp của các quan chức cấp cao Trung Quốc và ASEAN được tổ chức tháng 5/2017 và cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và ASEAN vào tháng 8/2017 đã cho thấy những tiến bộ nhất định.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu tham dự đã thống nhất cho rằng: các bên tranh chấp trên Biển Đông nên giải quyết xung đột thông qua đàm phán hòa bình, không đe dọa sử dụng vũ lực và hành động trên cơ sở Luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc và ASEAN cần nhanh chóng đàm phán và đi đến ký kết COC mang tính ràng buộc pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, qua đó tìm kiếm những thỏa hiệp mới; Nga nên tham gia tích cực hơn trong việc giải quyết xung đột ở Biển Đông với vai trò trung gian hoà giải dựa trên uy tín chính trị của một cường quốc, mối quan hệ tốt đẹp của Nga với Trung Quốc, ASEAN và kinh nghiệm của Nga trong giải quyết xung đột ở nhiều điểm nóng trên thế giới./.