Giới khoa học e ngại với dự án thủy điện "chặt khúc sông Hồng"

Thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Dự án giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng ngay lập tức đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Giới khoa học e ngại với dự án thủy điện "chặt khúc sông Hồng" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt Dự án giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện đề xuất, ngay lập tức đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Mục tiêu của dự án là sẽ mở ra một tuyến vận tải thông suốt trên sông Hồng từ Lạch Giang (Nam Định) qua Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái tới Quý Xa (Lào Cai).

Trên tuyến giao thông này sẽ xây dựng 7 cảng là Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội). Chủ đầu tư còn nêu rõ dự án này sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Như vậy, sông Hồng sẽ được khai thác mọi khả năng và mang thêm một sứ mệnh nữa trong lĩnh vực giao thông, liên kết khu vực và hợp tác quốc tế. Đây có thể nói là tin vui không chỉ với những nhà quản lý giao thông mà với người dân cả khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi; bởi vì, nếu dự án này được triển khai, không xa nữa các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ thêm một hệ thống giao thông an toàn và giá rẻ nối với các tỉnh đồng bằng và nối với biển. Giao thông thủy phát triển sẽ “chia lửa” với giao thông đường bộ, đường sắt và góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của các tỉnh miền núi, liên kết phát triển giữa miền núi và đồng bằng, ven biển; giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy nhiên, mục tiêu của dự án không chỉ là giao thông mà còn nhiều hạng mục công trình với nhiều mục tiêu khác nhau khiến không ít chuyên gia, nhà khoa học và dư luận nói chung đặc biệt quan tâm và e ngại. Vì sao?

Đó là theo dự án này, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thủy điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thủy điện với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh/năm.

Lại là thủy điện! Hơn lúc nào hết, vào mùa hạn và xâm nhập mặn năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên thì không chỉ người dân trong vùng chịu thiên tai mà các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã chỉ đích danh một trong những “thủ phạm chính” gây nên thiên tai hạn và xâm nhập mặn là những đập thủy điện trên sông Mekong do các nước ở thượng du xây dựng. Nhiều ý kiến đã gọi đúng tên sự việc là các đập thủy điện đang “bức tử” sông Mekong.

Trở lại với Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng, một khi 6 con đập thủy điện được xây lên cũng đồng nghĩa với việc “chặt khúc” sông Hồng, dù là nước vẫn chảy, tàu bè vẫn lưu thông nhưng hồn cốt của một dòng sông cổ, một dòng Sông Mẹ bồi đắp phù sa nuôi dưỡng cả đồng bằng sông Hồng sẽ không còn.

Lịch sử xây dựng đất nước ta gắn liền với đắp đê trị thủy để làm nông nghiệp. Nhiều nhà khoa học gọi vùng châu thổ sông Hồng là vùng đồng bằng ô trũng; rằng đó là một vùng đồng bằng non trẻ chưa đủ độ bồi lắng phù sa. Nhưng nhờ hàng ngàn năm đắp đê sông, đê biển mà lòng sông được nâng lên khiến cho vào mùa khô hạn cửa sông không bị mặn đẩy sâu vào nội địa, làm cho một vùng giáp nước ở Nam Định, Thái Bình không bị nhiễm mặn; cả vùng châu thổ là vựa lúa hàng ngàn năm nay.

Giới khoa học e ngại với dự án thủy điện "chặt khúc sông Hồng" ảnh 2Toàn cảnh cầu Long Biên và cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Theo ý kiến một số chuyên gia, sau khi làm thủy điện Hòa Bình, lòng sông Hồng hiện nay đã tụt xuống 1 mét. Rõ ràng là việc xây dựng các đập thủy điện, nạo vét lòng sông sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng chảy, lưu lượng nước. Như vậy, nếu xây thêm 6 con đập nữa thì lòng sông tụt xuống càng sâu. Điều đó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ mà nguy cơ bị xâm mặn vào mùa khô cũng sẽ xảy ra, tình trạng sụt lở mép sông càng tăng lên. Vựa lúa của đồng bằng sông Hồng cũng sẽ bị nguy cơ hạn và xâm nhập mặn như vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Có thể nói, hàng ngàn năm dân tộc ta trải qua bao thiên tai địch họa mới tạo dựng nên vựa lúa sông Hồng, làm thành cái nôi của dân tộc. Từ cái nôi này dân tộc ta đứng dậy xây dựng cơ đồ. Sông Hồng - Sông Mẹ là huyết mạch của cái nôi thiêng liêng này. Do đó, phải giữ gìn và bảo vệ dòng Sông Mẹ bằng tư duy và cái nhìn của hàng ngàn năm; và như vậy, nên chăng các cấp, các ngành cần cẩn trọng tính toán vì lợi ích lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục