Giới nhà giàu trên thế giới vẫn coi Thụy Sĩ là điểm đến tốt nhất

Cho dù truyền thống bảo mật ngân hàng của Thụy Sĩ không còn nhưng giới nhà giàu trên thế giới vẫn coi các ngân hàng Thụy Sĩ là nơi tốt nhất toàn cầu để tiếp tục gửi tiền.
Giới nhà giàu trên thế giới vẫn coi Thụy Sĩ là điểm đến tốt nhất ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Công ty tư vấn tài chính Deloitte nhận định giới giàu có vẫn coi Thụy Sĩ là nơi tốt nhất trên thế giới cho dù truyền thống bảo mật ngân hàng của nước này sẽ không còn.

Trong năm ngoái, các ngân hàng Thụy Sĩ vẫn nắm giữ khối tài sản nước ngoài trị giá 2.000 tỷ USD (1.870 tỷ franc).

Trong khi đó, những điểm đến hàng đầu thế giới về quản lý tài sản qua biên giới như nước Anh nắm giữ 1.700 tỷ USD và Mỹ là 1.400 tỷ USD.

Tuy nhiên, các trung tâm nhỏ hơn ở châu Á, chẳng hạn như Hong Kong và Singapore, đang tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh hơn so với Thụy Sĩ, mặc dù vẫn còn một số khoảng cách khá xa về quy mô tài sản tuyệt đối thuộc quyền quản lý (AUM).

Phụ trách lĩnh vực tư vấn chiến lược ngân hàng Daniel Kobler thuộc Deloitte Thụy Sĩ, cho biết Thụy Sĩ vẫn là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, nhưng các địa điểm khác có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng - đặc biệt là Hong Kong với mức tăng AUM lên tới 142%, Mỹ là 28% và Singapore là 25%.

Trước đó, một số tổ chức quan sát khác - đáng chú ý nhất là WealthInsight - đã cảnh báo rằng các đối thủ cạnh tranh châu Á sẽ bắt kịp và vượt Thụy Sĩ trong những năm tiếp theo.

Ông Daniel Kobler nhận định các nhà cung cấp của Thụy Sĩ đối mặt với một số thách thức trên cả hai khía cạnh về doanh thu và chi phí quản lý bền vững, khi lợi nhuận bị sụt giảm.

Sự sụt giảm này phần lớn là do chi phí pháp lý liên quan đến các vụ bê bối trốn thuế, thực hiện các quy định mới và những chi phí khác, chẳng hạn như đổi mới công nghệ để theo kịp với các kỹ thuật ổ đĩa số hóa của ngành.

Trong mấy năm gần đây, các tác động của chi phí cao và doanh thu thấp hơn đã khiến các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ, thiếu khả năng tài chính để có thể chuyển hướng các nguồn lực của họ đến các địa điểm khác.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn buộc phải đóng cửa hoạt động tại các quốc gia ít lợi nhuận và mở rộng hoạt động sang các khu vực tăng trưởng, trong đó có châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục