Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 chứng kiến khối ngoại chuyển sang bán ròng 136 tỷ đồng trên HOSE và 3,4 tỷ đồng trên HNX. Trong khi đó, khối này chỉ mua vào 14,2 tỷ đồng vào UpCoM.
Đây không phải là phiên bán ròng hiếm hoi của khối ngoại mà áp lực này liên tiếp xảy ra trong những tháng gần đây. Tuy vậy, theo phân tích của các công ty chứng khoán, triển vọng thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020 vẫn khá cao.
Theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 2020 do Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới phát hành, mặc dù trong năm 2020, khả năng các nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào thị trường mới nổi và cận biên thực sự không cao. Tuy nhiên, các nhà đầu ngoại sẽ đầu tư mang tính có chọn lọc và một vài thị trường có thể được ưa chuộng hơn phần còn lại.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù khối ngoại liên tục mua ròng trong hai năm qua, phần lớn hoạt động mua ròng diễn ra thông qua giao dịch thỏa thuận. Trong khi đó, giao dịch khớp lệnh ghi nhận bán ròng, gây ảnh hưởng trực tiếp lên chỉ số VN-Index.
Dù vậy, làn sóng bán ròng của khối ngoại trên sàn đã có phần chững lại khi mức độ bán ròng giảm mạnh từ hơn 16.000 tỷ trong năm 2018 xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng trong 2019. Thậm chí, khối ngoại đã mua ròng mạnh với gần 3.000 tỷ đồng chỉ sau bốn tháng đầu năm 2019 và chỉ chuyển sang bán ròng do diễn biến thương mại Mỹ-Trung trở nên căng thẳng.
VDSC kỳ vọng hoạt động của khối ngoại trên sàn trong năm 2020 có thể tích cực hơn, do có nhiều yếu tố hỗ trợ, nhất là từ tín hiệu tích cực của các quỹ ETF (một hình thức quỹ đầu tư vào chỉ số). Trong hai năm qua, E1VFVN30 và VNM US ETF là hai ETF hút tiền chính của thị trường chứng khoán Việt. Khả năng cao E1VFVN30 ETF sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền từ hai nhà đầu tư chủ chốt là Thái Lan và Hàn Quốc.
Bởi lẽ, lãi suất ở hai quốc gia này đang ở mức thấp sau khi Ngân hàng Trung ương bản địa thực hiện những đợt cắt giảm lãi suất trong năm qua đồng thời, diễn biến của các chỉ số chính cho thấy VN-Index tăng 8,3% trong năm 2019 đã mang lại lợi nhuận cao hơn trong năm qua so với chỉ số KOSPI của Hàn Quốc chỉ tăng 6,3% hay SET của Thái Lan chỉ tăng 0,6%.
Bên cạnh đó, VDSC cũng kỳ vọng từ dòng tiền của VNM US ETF, khi S&P 500 đã có một năm tăng mạnh tới 26% so với cùng kỳ sẽ khiến cho sức hấp dẫn của các thị trường khác bị hạn chế. Các nhà đầu tư từ Châu Âu và Mỹ có thể có xu hướng đầu tư từ dưới lên (bottom-up approach), thay vì vào các ETF trong năm 2020.
Theo dự kiến, Kuwait sẽ được chuyển sang rổ chỉ số Emerging Market Index (dành cho thị trường mới nổi) của MSCI (một công ty cung cấp các công cụ phân tích danh mục và chỉ số chứng khoán toàn cầu có trụ sở tại Mỹ) trong tháng 5/2020. Theo đó, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ Frontier Market 100 (chỉ số dành cho thị trường cận biên) sẽ được nâng lên 30%, thay vì chỉ khoảng 12,3% như hiện nay. Khi đó, quỹ Ishare MSCI Frontier 100 ETF có thể mua vào gần 2.000 tỷ đồng.
Dù hiện vẫn chưa có quỹ ETF nào mô phỏng bộ chỉ số này. Tuy nhiên, có một số quỹ cận biên đang so sánh với MSCI cận biên, do đó VDSC cho rằng các quỹ hoàn toàn có thể mua có chọn lọc các cổ phiếu lớn và có thanh khoản của Việt Nam.
Trong nước, các bộ chỉ số mới như VNDiamond, VNFin Select và VNFin Lead đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức triển khai từ tháng 11/2019. Theo thông tin từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, nhiều tổ chức quản lý quỹ lớn như SSIAM, VFM, VinaCapital… đều có kế hoạch ra mắt ETF dựa trên các chỉ số mới do HOSE triển khai.
Thị trường được dự báo sẽ trở nên sôi động hơn trong thời gian tới. Do đây là một hình thức đầu tư ngày càng phổ biến, giúp nhà đầu tư nước ngoài giải bài toán kín room với những cổ phiếu ưa thích cũng như khơi thông nút thắt cho dòng vốn ngoại tiếp cận thị trường Việt Nam.
Cụ thể, Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) đang hoàn tất thủ tục ra mắt ETF SSIAM VNFin Lead, mô phỏng bộ chỉ số cổ phiếu ngành tài chính. Sau thành công của quỹ VFMVN30 ETF, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cũng chuẩn bị được đưa vào vận hành 2 quỹ ETF mới, dựa trên bộ chỉ số VNDiamond bao gồm các cổ phiếu đã chạm giới hạn sở hữu nước ngoài; và VNFin Select nhắm đến lĩnh vực tài chính nhưng có độ bao phủ lớn hơn VNFin Lead.
Ngoài hướng tới một số lĩnh vực đặc thù, nhiều nhà quản lý quỹ cũng chuẩn bị ra mắt các ETF hướng tới thị trường chung. VinaCapital dự kiến sẽ ra mắt quỹ ETF đầu tiên dựa trên chỉ số VN100 Index, bao gồm 100 cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa niêm yết trên HOSE.
Bảo Việt Fund cũng dự kiến ra mắt quỹ ETF đầu tiên sử dụng chỉ số VNSI Index (Chỉ số phát triển bền vững), bao gồm các công ty được lựa chọn từ chỉ số VN100 Index cân nhắc đến các yếu tố phát triển bền vững bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường.
Một số nhà quản lý quỹ khác như SSIAM, Mirae Asset và Techcombank Securities cũng đang cân nhắc đưa ra sản phẩm ETF về chỉ số VN30 trong năm nay.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, ở thời điểm hiện tại, cạnh tranh giữa các công ty quản lý quỹ không quá lớn bởi mỗi ETF hướng tới thị trường riêng. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng trong thời gian tới. Các ETF tập trung vào thị trường chung như VN30 Index và VN100 Index sẽ gặp nhiều thách thức hơn để cạnh tranh thu hút nguồn vốn.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lạc quan về làn sóng ETF đang tới cùng tâm lý tích cực có thể mang lại cho thị trường. Tính đến ngày 16/12/2019, tổng tài sản các quỹ ETF phân bổ vào thị trường Việt Nam đạt khoảng 1,12 tỷ USD.
Ngoài những vấn đề trên, các chuyên gia cũng cho rằng, dòng vốn ngoại có thể được cải thiện trong năm 2020 nhờ một số yếu tố như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã có phần hạ nhiệt sẽ là yếu tố hỗ trợ nhà đầu tư mạnh dạn hơn khi tham gia vào thị trường. Thêm vào đó, nếu hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa có thể sôi động trở lại trong năm 2020, thị trường cũng có thể thu hút thêm tiền từ nhà đầu tư nước ngoài, nhưng quy mô sẽ không lớn như năm 2017.../.