Ngày 1/2, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị “Giới thiệu Hà Giang” nhằm quảng bá hình ảnh và tiềm năng của Hà Giang tới bạn bè quốc tế.
Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi những hội nghị giới thiệu địa phương do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các địa phương tổ chức.
Sự kiện nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, qua đó thu hút nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào các địa phương, nhất là những nơi vùng sâu vùng xa, giúp nâng cao cơ sở vật chất, đời sống của người dân.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: “Hội nghị giới thiệu Hà Giang là sự kiện đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với địa phương tổ chức. Đây là một mô hình mới, qua đó giới thiệu một cách chân thực, phong phú nhất về những thế mạnh của địa phương tới bạn bè quốc tế.”
[Băng tuyết phủ trắng - Ô Quy Hồ, Hà Giang như trong cổ tích]
Nhấn mạnh đây cũng là nhiệm vụ ưu tiên và định hướng lâu dài của Bộ Ngoại giao, hỗ trợ địa phương, phát huy vai trò cầu nối, kết nối địa phương tới bạn bè quốc tế, trong đó Cục Ngoại vụ và các Sở Ngoại vụ địa phương là đầu mối, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mong muốn, hội nghị sẽ diễn ra thành công, tạo tiền đề để tổ chức các hội nghị khác, nhằm nhân rộng mô hình này tới các địa phương.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh nhấn mạnh, trong chiến lược hội nhập và tiến trình phát triển, Hà Giang đã sớm chủ động nhận diện, định vị lại vị trí của mình trong chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế, từ đó xác định rõ hơn mục tiêu cũng như định hướng phát triển.
Đó là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, từng bước xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch, trọng điểm quốc gia về dược liệu, có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhân dịp này, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội hợp tác quốc tế tại tỉnh Hà Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn mong muốn, tăng cường mở rộng, thiết lập mối quan hệ hợp tác với địa phương các nước phát triển trong khu vực, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tại Việt Nam để liên kết, thu hút đầu tư phát triển kinh tế.
Xuất phát từ điều kiện thực tế, Hà Giang kêu gọi các nguồn vốn xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với các tỉnh thuộc vùng cửa ngõ phía Bắc của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ…
Hà Giang chú trọng nâng cao nguồn nhân lực, năng lực khoa học-công nghệ; tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền của người lao động, các nhóm yếu thế; thúc đẩy công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Việt Nam, có diện tích gần 7.945km. Hà Giang có cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu giai đoạn 2015-2018, có nền văn hóa đậm đà bản sắc, với cộng đồng 19 dân tộc cùng sinh sống luôn được bảo tồn, phát huy giá trị bền vững, có 57 di sản văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Hà Giang có khí hậu trong lành, môi trường không bị ô nhiễm, là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ còn giữ được vẻ hoang sơ và các phẩm vật của địa phương tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường.
Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, Hà Giang có những đặc trưng văn hóa riêng mang đậm nét văn hóa của vùng miền và của từng dân tộc với nhiều lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng, tôn giáo, khảo cổ..
Với đầy đủ lợi ích về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn, Hà Giang có khả năng phát triển tất cả các loại hình du lịch, từ tham quan, khám phá, trải nghiệm, sinh thái... đến nghiên cứu, hoạt động khoa học, giáo dục...
Hiện tỉnh Hà Giang đã thành lập Trung tâm hành chính công. 11/11 huyện, thành phố và 195/195 xã, phường, thị trấn có bộ phận một cửa điện tử và một cửa điện tử liên thông, làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp./.