Giữ gìn hồn quê đất Việt ở làng làm diều Bá Dương Nội

Đối với người dân ở làng Bá Dương Nội, chơi diều, thả diều đã đi vào tâm thức một cách rất tự nhiên. Cứ thế từ đời cha cho đến đời con, cháu cùng nhau gìn giữ những giá trị truyền thống quê hương.
Giữ gìn hồn quê đất Việt ở làng làm diều Bá Dương Nội ảnh 1Bộ sáo diều truyền thống mang hồn quê Việt Nam ở làng diều Bá Dương Nội. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Cánh diều là ký ức tuổi thơ không thể quên đối với nhiều người con Việt Nam. Mỗi khi trên bầu trời xuất hiện những cánh diều đủ loại sắc màu, chúng ta lại bồi hồi nhớ về những ngày thơ trẻ.

Ở thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội có một câu lạc bộ thả diều truyền thống, nơi chỉ cần đặt chân đến đã hiện ra một bầu trời bình yên…

Làng diều hơn nghìn năm tuổi

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Kiêm vào một ngày hè rực rỡ của tháng sáu. Gió từ sông Hồng lồng lộng thổi qua, chan hòa với ánh nắng vàng tươi những ngày đầu hạ. Gần cổng làng là trường học, chỉ cần hỏi nhà ông Kiêm chơi diều, lũ trẻ tíu tít chỉ đường cho chúng tôi.

Ông Kiêm hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thả diều truyền thống xã Hồng Hà. Đây là nơi bảo tồn, gìn giữ, phát triển thú chơi diều, cũng là nơi để trao đổi, học hỏi, mang diều đi tham gia triển lãm ở các bảo tàng, trường học.

Ông Kiêm kể cho chúng tôi nghe về lịch sử làng diều. “Các nhà nghiên cứu văn hóa vẫn thường nói rằng quê hương Bá Dương Nội chúng tôi có lễ hội thả diều đã nghìn năm tuổi rồi. Hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng Ba âm lịch thì chúng tôi tổ chức lễ hội thi thả diều” - ông Kiêm tự hào.

Giữ gìn hồn quê đất Việt ở làng làm diều Bá Dương Nội ảnh 2Ông Nguyễn Hữu Kiêm, chủ nhiệm câu lạc bộ thả diều truyền thống xã Hồng Hà. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Tương truyền, thú chơi diều gắn liền với câu chuyện về tướng quân Nguyễn Cả, một tướng tài của vua Đinh Tiên Hoàng. Sau khi cùng vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, ông từ quan, về làng dạy dân trồng trọt, cày cấy, mở hội võ, hội vật…

Những năm tháng hưởng cuộc sống điền viên, vui thú ruộng vườn, thi thoảng ông vẫn bày cho đám trẻ trong làng nhiều trò vui, trong đó có trò chơi thả diều.

Sau khi ông mất, dân làng tưởng nhớ ân đức, lập đền thờ tôn ông làm Thành hoàng làng. Hội thi diều vào ngày rằm tháng 3 âm lịch hàng năm ở làng Bá Dương Nội cũng từ đó mà hình thành gắn với lễ tế ông Cả. Đây là lễ hội thả diều lớn nhất ở miền Bắc vẫn được gìn giữ cho đến tận ngày nay.

Lễ hội thả diều - Nét đẹp truyền thống của người dân làng Bá Dương Nội

Lễ hội thảo diều ở làng Bá Dương Nội được tổ chức vào rằm tháng ba âm lịch hàng năm. Trong ngày này, buổi sáng dành riêng cho buổi lễ thần linh châu thổ. Buổi chiều bắt đầu từ 12 giờ, các chủ diều đem diều về cửa đền làm lễ trình diều, đăng ký với Ban tổ chức. Chỉ những con diều đạt tiêu chuẩn thì mới được tham gia thi.

[Lễ hội Diều Huế 2019: Lưu giữ nghệ thuật chơi diều trên đất Cố đô]

Sau lễ khai mạc thường bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều, người chủ lễ sẽ đánh 3 hồi, 9 tiếng trống cầu phong, đấy là trống cầu trời đất cho gió lên tốt. Sau đó các chủ diều đem diều ra ngoài bãi thả cho đến 5 giờ chiều. Ban trọng tài của dân bầu ra sẽ chấm diều và trao giải cho các chủ diều.

Người dân ở đây gìn giữ truyền thống của ông cha bằng cách chơi chủ yếu là diều sáo, vì vậy thường hay làm diều Cánh Muỗm, Cánh Chanh, Cánh Mộc. Diều Cánh Muỗm cong, dài và to, chở được nhiều sáo, dễ thả, dễ lên. Diều Cánh Chanh bầu cánh hơn diều Cánh Muỗm, khi thả có khả năng lên cao hơn. Diều Cánh Mộc thì càng bầu cánh hơn nữa, đặc điểm là lên rất cao nhưng thả rất khó cho nên thường được làm để thi.

Khung diều làm bằng tre, sáo diều bằng giấy hoặc bằng vải thế nhưng đặc trưng của con diều là phải đảm bảo cân bằng. Hai cánh diều phải cân bằng về kích thước, trọng lượng, chiều dài, chiều rộng. Diều mà bị xê lệch, một bên bé hơn bên kia thì chắc chắn không thể bay được.

Một kỹ thuật nữa là diều mà không có nèo thì không thể lên được, nên nèo diều cũng là một vấn đề đóng vai trò quan trọng cho con diều, người nghệ nhân biết chơi diều thì phải biết chỉnh nèo diều.

Tiêu chí của con diều thi là con diều phải lên cao và đứng, có diều 3 sáo, phải làm bằng tre không có đuôi và sải cánh dài 2m2 trở lên. Cánh diều không được dán bằng nilon màu trong mà phải có màu sẫm để ban tổ chức có thể chấm giải khi diều bay trên cao.

Trước đây lễ hội thả diều chỉ có một ngày thi, nhưng mười năm trở lại đây dân làng tổ chức thêm buổi thả diều chiều ngày 14 để giành thi diều cho các cháu thiếu niên. Đây cũng là dịp để làng phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ đam mê với cánh diều.

Câu lạc bộ thả diều: Mang diều Việt truyền thống vươn ra thế giới

Ra đời năm 2004, Câu lạc bộ thả diều truyền thống làng Bá Dương Nội là câu lạc bộ được thành lập đầu tiên trên miền Bắc. Hàng năm, Câu lạc bộ tham gia vào các buổi dạy trải nghiệm thả diều cho thiếu nhi tại các viện bảo tàng quốc gia, bảo tàng dân tộc học, bảo tàng dân gian, một số cơ quan, đơn vị và một số địa phương khác.

Câu lạc bộ thả diều hiện nay có 25 người, có cụ già cao tuổi nhất là 88 tuổi, người trẻ nhất là 18 tuổi. Chính vì thế đã có sự truyền tiếp làm diều và chơi diều từ thế hệ này sang thế hệ khác, thế hệ già đến thế hệ trẻ.

Giữ gìn hồn quê đất Việt ở làng làm diều Bá Dương Nội ảnh 3Mang cánh diều truyền thống vươn ra thế giới. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Từng mang diều Việt Nam đi triển lãm và dự thi ở nhiều nơi trên thế giới, ông Kiêm cho biết, diều sáo Việt Nam là một loại diều không phải ai nhìn cũng làm theo được, không phải cứ làm giống là tiếng sáo diều nghe hay và diều bay cao được. Người nghệ nhân phải đặt cả tâm hồn, trí óc, tình cảm vào đó thì mới ra được tiếng sáo diều Việt Nam.

“Nghe sáo diều cực kỳ khó, người dân Bá Dương Nội chúng tôi rất tinh tế về sáo diều. Bộ sáo nào hay bất kể ai từ người già đều biết là của nghệ nhân nào. Các cụ có câu là làm diều đã khó rồi, làm sáo khó hơn nhiều. có người chơi diều cả đời không có bộ sáo hay. Những người làm được bộ sáo diều nổi tiếng hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay” - ông Kiêm chia sẻ.

Giữ cánh diều, giữ hồn quê đất Việt

Người ta vẫn nói, con diều của Việt Nam là con diều thô sơ, mộc mạc và đơn giản, nhưng thực sự là con diều truyền thống của người Việt là con diều rất tinh tế, nhất là bộ sáo diều.

Cánh diều sáo gắn liền với hình ảnh người nông dân trồng lúa nước ngày xưa, phát triển song song với nền nông nghiệp lúa nước của Việt Nam. Ông Kiêm chia sẻ thêm: “Lễ hội thả diều của Việt Nam chính là lễ hội cầu tạnh. Bởi vì sau mùa đông ẩm ướt, âm u, bắt đầu cuối xuân đầu hạ cây lúa chiêm bắt đầu phát triển khi mà có nắng lên gió thổi và có mưa rào thì cây lúa chiêm phát triển. Năm nào trời nắng sớm, gió về sớm diều lên cao tiếng sáo kêu hay thì thể hiện năm đấy sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đấy không chỉ là chơi diều mà còn mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng và cả tính chất về xã hội học.”

Gia đình ông Kiêm có truyền thống chơi diều từ lâu. Cầm cánh diều trên tay, ông Kiêm nói với ánh mắt tự hào: “Tôi rất vinh dự được sinh ra và lớn lên trong một quê hương và gia đình có truyền thống chơi diều. gia đình tôi có nhiều người chơi từ ông cha chú bác đều là những người chơi có tiếng trong địa phương và đặc biệt người cha đẻ của tôi là người truyền dạy trực tiếp cho tôi kỹ thuật, kinh nghiệm trong quá trình làm diều và sáo diều. Vì thế từ khi còn nhỏ 7, 8 tuổi tôi đã chạy diều theo cha ông rồi, vì thế nói đến diều nó gắn bó từ khi còn nhỏ, cho đến bây giờ tôi vẫn say mê chơi diều, làm diều và thả diều.”

Cầm trên tay cánh diều in những hình truyền thống trên tranh dân gian Đông Hồ, ông Kiêm bày tỏ hy vọng dù bây giờ có nhiều loại đồ chơi mới, nhiều hình thức chơi hấp dẫn nhưng những cánh diều của Việt Nam sẽ không bị mai một và chắn chắn thế hệ sau vẫn còn có thể phát triển và gìn giữ những cánh diều bởi nó là hồn cốt của dân tộc, ông cha./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục