Giữ gìn văn hóa, phong tục Việt Nam cho trẻ em Việt tại Angola

Song song với việc học tiếng Bồ và văn hóa Angola, trẻ em Việt tại Angola được dạy về những nét đẹp văn hóa, phong tục Việt Nam.
Giữ gìn văn hóa, phong tục Việt Nam cho trẻ em Việt tại Angola ảnh 1Trẻ em Việt vui chơi bên biển tại Angola. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sau 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Angola, người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Angola đã lên tới 70 ngàn người, tuy nhiên, số lượng trẻ em Việt tại Angola rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có những em bé được sinh ra tại Angola, sau khi cứng cáp (khoảng 2-3 tuổi), do bố mẹ bận làm việc, kinh doanh, được đưa về Việt Nam. Còn một số em bé, vì bố mẹ làm việc bên Angola nên được đón sang để tiện chăm sóc, dạy dỗ.

Cô Liên là chuyên gia y tế tại tỉnh Namibe. Do khoảng cách địa lý và đặc thù công việc nên cô không có nhiều thời gian về Việt Nam chăm sóc 2 bé là Ngô Quang Vinh (sinh năm 2002) Ngô Thư Trang (sinh năm 2006). Vào tháng 11/2014, khi sang Angola cô Liên đã đưa 2 bé sang Angola để tiện chăm sóc, dạy bảo.

Theo cô Liên, 2 bé Vinh và Trang là lớn nhất trong số ít em bé Việt tại Angola, thường rất ít người đưa con sang Châu Phi như cô.

Lúc đầu, các em còn gặp khó khăn trong giao tiếp, ăn uống và môi trường sống. Sau một thời gian, các em đã hòa nhập và rất yêu thích cuộc sống tại nơi đây và bắt đầu ngại về Hà Nội vì nắng nóng và tắc đường.

Trẻ em Việt được học tiếng Bồ đào Nha song song với học văn hóa trên trường. Ban đầu, còn gặp chút khó khăn trong giao tiếp, xong sau kỳ 1, các em đã theo kịp chương trình học trên lớp và khả năng tiếng Bồ cũng rất tốt, giao tiếp trôi chảy.

Trẻ em Việt theo học các trường chủ yếu là trường tư, trường quốc tế theo chương trình giáo dục của Bồ Đào Nha. Chi phí 1 tháng học ở trường quốc tế Luanda là $2000, còn ở các tỉnh thì rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 10.000kz (tương đương với $73).

Ở trường, ngoài chương trình học gồm toán, lý, hóa, địa, sử và các môn liên quan đến kỹ năng sống, các em được học cả tiếng Anh và tiếng Pháp, học các môn giáo dục thể chất: bóng đá, bóng rổ…. Ngoài ra, các em còn được tham gia các sự kiện do trường tổ chức như ngày hội thiếu nhi Châu Phi, tết thiếu nhi…

Chương trình học đơn giản không nặng kiến thức như chương trình đào tạo ở Việt Nam. Môi trường học tập tốt tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện. Ngoài giờ học trên lớp, các em sẽ được học bổ trợ tiếng Bồ Đào Nha.

Do an ninh không được tốt nên các em thường không được đi chơi xa. Các em cũng phải chia sẻ công việc nhà cùng ba mẹ như nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa,…

Các em cũng sẽ được dạy cách nấu các món ăn truyền thống của Angola, song song với các món ăn Việt. Vào cuối tuần, các em sẽ cùng ba mẹ và người thân đi biển chơi, đi mua sắm….

Còn vào kỳ nghỉ dài ngày như nghỉ năm mới, nghỉ hè,… các em sẽ có cơ hội về Việt Nam thăm người thân, gia đình hoặc đi du lịch, khám phá đất nước Angola.

Song song với việc học tiếng Bồ và văn hóa Angola, các em vẫn nói chuyện tiếng Việt với ba mẹ. Được ba mẹ và người thân dạy về văn hóa Việt Nam, các câu chuyện ngụ ngôn với mục đích gìn giữ nét đẹp văn hóa Việt.

Theo cô Liên, cô thường dạy các em về văn hóa Việt Nam, văn hóa Angola mọi lúc, mọi nơi, trong mọi tình huống mà cô và các em gặp phải, để các em có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và gìn giữ những nét đẹp về văn hóa Việt.

Chính phủ và các cơ quan đoàn thể Angola và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cũng tạo nhiều điều kiện cho các bé cũng như phụ huynh./.

Giữ gìn văn hóa, phong tục Việt Nam cho trẻ em Việt tại Angola ảnh 2Cô Liên cùng Vinh và Trang bên cộng đồng người Việt tại Angola (Ảnh: CTV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục