Ngày 27/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang Ngày làm việc chính thức thứ hai.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có bài tham luận tại Đại hội.
Tận dụng thành công các cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn
Với tham luận chủ đề “Xây dựng kinh tế tuần hoàn trong thập niên 2021-2030”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.
Xây dựng kinh tế tuần hoàn được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, so với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân; giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...
[Tài nguyên-môi trường dần trở thành ngành kinh tế quan trọng]
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Thực tiễn đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận, chuyển đổi mô hình phát triển sang phát triển kinh tế tuần hoàn.
Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, hiện nay, một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; tập trung tận dụng cơ hội hợp tác trong tiếp cận, tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước, trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất, cần xem phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm...; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm.
Theo ông Trần Hồng Hà, để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi mô hình kinh tế; chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch, thiết kế sản xuất, thiết kế sản phẩm để tăng cường kết nối chuỗi sản xuất tuần hoàn; lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như: công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình; phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cần được đẩy mạnh, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn; phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn.
“Phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII trình Đại hội đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng vào việc tận dụng thành công các cơ hội và chuyển hóa được những thách thức để phát triển kinh tế tuần hoàn, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Linh hoạt trong điều hành giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ
Tham luận tại Đại hội với chủ đề “Đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng,” Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhận định, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn tình hình kinh tế-xã hội thế giới biến động phức tạp, khó lường; xung đột chính trị, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn gia tăng.
Bám sát mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát cho giai đoạn 2016-2020 mà Đại hội XII của Đảng đề ra là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến hoạt động ngân hàng, Ban Cán sự đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động thực hiện nhiều giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã đạt được những thành tựu nổi bật.
Nhiệm kỳ 2021-2025 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, cần tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Cải thiện chất lượng đầu vào cho hoạch định chính sách, nâng cao chất lượng thống kê, phân tích, dự báo; chủ động, thận trọng, linh hoạt trong điều hành các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ; phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhất là chính sách tài khóa để ứng phó linh hoạt, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế, tiền tệ thế giới; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng thực hiện đồng bộ các biện pháp triển khai lộ trình từng bước tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam và các giải pháp quản lý thị trường vàng; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19; mở rộng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đẩy mạnh các chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách...
Đồng thời, công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng cần được tăng cường; tiếp tục giám sát chặt chẽ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt; phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các Bộ, ngành, lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động thanh toán; triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo hoạt động ngân hàng thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech)...
Cùng với việc thực hiện tốt chương trình cải cách thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử, ngành Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động thông tin tín dụng để nâng cao độ phủ và duy trì điểm chiều sâu thông tin tín dụng; phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành thực hiện các giải pháp góp phần nâng cao Chỉ số tiếp cận tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; chủ động, tích cực hợp tác, hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực ngân hàng.
Hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, trong đó trọng tâm là tổng kết, nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng chống rửa tiền sẽ được phấn đấu hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, tăng cường thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, với thế và lực cũng như vị thế mới của Việt Nam, sự quan tâm sâu sắc, lãnh đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, ngành Ngân hàng có cơ sở để vững tin sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó, đưa hệ thống ngân hàng phát triển nhanh, toàn diện, hiệu quả, an toàn, bền vững; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.