Gỡ nút thắt cho vay tín chấp: Loay hoay với trăm mối tơ vò

Dù động thái của Ngân hàng Nhà nước được coi là "bật đèn xanh" cho việc giải ngân không cần tài sản đảm bảo, nhưng trên thực tế, không có nhiều ngân hàng mặn mà với các khoản cho vay tín chấp.
Gỡ nút thắt cho vay tín chấp: Loay hoay với trăm mối tơ vò ảnh 1Giao dịch tại Ngân hàng. (Nguồn: TTXVN)

Mới đây Ngân hàng Nhà nước có chủ trương khuyến khích các ngân hàng cho vay tín chấp. Đồng thời đề nghị các ngân hàng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, xếp hạng tín dụng nội bộ để gia tăng cho vay tín chấp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vấn đề này không dễ dàng gì thực hiện được vì các ngân hàng sợ gặp nhiều rủi ro.

"Sau cơn bạo bệnh"

Đẩy mạnh cho vay tín chấp hay cho vay không cần tài sản đảm bảo, đang là một trong những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm tăng cường tốc độ giải ngân trong những tháng cuối năm.

Với việc bật đèn xanh này của Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã rất hồ hởi, tuy nhiên họ cũng cho rằng rất khó để có thể vay tín chấp được vì trong bối cảnh hiện nay vì rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được những yêu cầu của ngân hàng.

Ông Nguyễn Thành Phương, đại diện cho Tập đoàn Kangaroo cho rằng, doanh nghiệp không thể có một "thể trạng" tốt khi vừa trải qua một cơn bạo bệnh. “Chúng tôi đi vay vốn, ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp, báo cáo tài chính đẹp, trong sạch. Như vậy là rất khó, nhất là doanh nghiệp vừa trải qua đợt phẫu thuật nặng nề  và cần phải có thời gian hồi phục. Vì vậy, đề nghị các ngân hàng tìm giải pháp nào đó tăng cho vay tín chấp thông qua các Hiệp hội,” ông Phương đề xuất.

Một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, theo quy định của các ngân hàng thương mại, việc vay vốn phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện tài sản thế chấp, nhưng hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề này.

Cụ thể, việc định giá tài sản thế chấp thường thấp hơn giá trị thực tế và đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài sản thế chấp không có nhiều và không đủ để đáp ứng so với yêu cầu thế chấp để vay vốn.

Một số doanh nghiệp khác cũng đề nghị cần phải tăng cường kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tạo dựng niềm tin cho vay tín chấp. Ngân hàng Nhà nước cần mở rộng cơ chế để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ hơn.

"Nắm tóc ai để xử lý"

Tại cuộc gặp gỡ giữa Ngân hàng Nhà nước với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp khi vay tín chấp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, khi môi trường kinh doanh và quy định pháp lý hiện hành chưa thực sự ủng hộ thì không ai dám yêu cầu các ngân hàng phải cho vay tín chấp được.

“Việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế trong đó có hợp đồng tín dụng ngân hàng đã khiến các ngân hàng rất thận trọng khi cấp tín dụng theo hình thức tín chấp. Vì vậy, các ngân hàng đang làm thí điểm, nếu doanh nghiệp quyết tâm làm ăn bài bản, có dự án tốt, ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp,” Thống đốc thẳng thắn.

Gỡ nút thắt cho vay tín chấp: Loay hoay với trăm mối tơ vò ảnh 2Chế biến tại một doanh nghiệp thủy sản. (Nguồn: TTXVN).

Đồng tình với quan điểm trên, ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo nguồn nhân lực ngân hàng BIDV cũng cho rằng, trên thế giới họ làm được vì các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin đầy đủ về tài chính, minh bạch phương án kinh doanh nên khi ngân hàng xem xét cấp tín dụng có thể kiểm chứng thông tin chính xác hơn. Còn tại Việt Nam thì khó có thể làm thế được. Không phải vì ngân hàng không đánh giá được năng lực tài chính của doanh nghiệp, vấn đề quan trọng theo ông Lực là do môi trường hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phức tạp. Khi xảy ra rủi ro thì các bên đùn đẩy trách nhiệm, ngân hàng không biết “nắm tóc” ai để xử lý.

Còn ông Phạm Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, đối với cho vay tín chấp, ngân hàng sẵn sàng mở cửa để cho vay, nhưng cần phải theo những tiêu chuẩn và điều kiện nhất định. Doanh nghiệp cần có sự minh bạch trong kinh doanh, trong đó yếu tố đầu tiên để ngân hàng xem xét là báo cáo tài chính được kiểm toán vì liên quan đến sức khỏe của doanh nghiệp. Định kỳ tự khám lại "sức khỏe" của mình để so sánh với các doanh nghiệp trong ngành và ngoài ngành khác. Như vậy ngân hàng mới có cơ sở để xác định được phương án và xây dựng mô hình cho vay tín chấp.

Để đẩy mạnh cho vay tín chấp, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho rằng, cùng với việc các ngân hàng tăng cường quản trị điều hành của mình theo đúng chuẩn quốc tế thì việc không gượng ép hình sự hóa các rủi ro xảy ra trong các hợp đồng tín dụng ngân hàng rất quan trọng.

Theo ông Trung, bản chất của việc cấp tín dụng là quan hệ dân sự giữa bên cho vay và bên vay, phụ thuộc hoàn toàn thỏa thuận giữa hai bên. Nếu ngân hàng thấy doanh nghiệp hoạt động tốt, phương án kinh doanh khả thi và ngân hàng có đủ biện pháp quản lý dòng tiền doanh nghiệp thì lúc đó vấn đề tài sản thế chấp không còn quan trọng. Khi xảy ra những khúc mắc, rủi ro thị trường giữa ngân hàng và khách hàng thì chỉ nên quan niệm là giao dịch dân sự.

Việc Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp, đằng sau đó, được hiểu là các ngân hàng cần củng cố lại hệ thống đánh giá tín nhiệm của mình, để có thể chắt lọc khách hàng tốt. Chính việc này sẽ tạo áp lực cho các ngân hàng phải nâng cao trình độ của các cán bộ tín dụng lên thay vì chỉ lo kiểm soát tài sản thế chấp. Giờ đây, ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp, phải hiểu thực sự kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và coi kế hoạch trả nợ của doanh nghiệp có khả thi hay không.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù động thái của Ngân hàng Nhà nước được coi là bật đèn xanh cho việc giải ngân không cần tài sản đảm bảo, nhưng khó có thể tạo thành một cú hích mạnh đối với tín dụng.

Chính các ngân hàng cũng chia sẻ, hiện những khoản cho vay tín chấp chỉ ưu tiên cho khách hàng cũ, những khách hàng có lịch sử tín dụng lành mạnh với ngân hàng. Cụ thể hơn, các nhà băng đều đang chọn con đường tín dụng chậm, nhưng an toàn hơn là giải ngân ồ ạt, mà rủi ro tăng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục