Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã tiếp cận nguồn vốn vay ổn định

Mặc dù mới triển khai tại Hà Nội, song Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay ổn định với lãi suất ưu đãi...
Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã tiếp cận nguồn vốn vay ổn định ảnh 1 Sản xuất phụ tùng xe máy ở Công ty CP dụng cụ cơ khí xuất khẩu, một doanh nghiệp đóng tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN.)

"Mặc dù mới triển khai tại Hà Nội, song chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có 460 doanh nghiệp được hưởng lợi. Trong đó,  415 doanh nghiệp được giảm lãi suất với dư nợ 3.022 tỷ đồng," ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề doanh nghiệp, lãi suất và tăng trưởng tín dụng.

Lãi suất chỉ còn 6,5%-7,5%

- Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay ổn định với lãi suất ưu đãi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy tại thành phố Hà Nội, chương trình này đã được khởi động như thế nào thưa ông?

Ông Trần Quốc Hùng: Đây là sáng kiến khá hay của Thành phố Hồ Chí Minh và được nhân rộng ở nhiều địa phương. Với Hà Nội, dù triển khai sau nhưng cách làm của chúng tôi tương đối đồng bộ và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhập cuộc.

Cuối tháng 5 vừa qua chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức hội nghị toàn thể, sở, ngành, quận huyện; quán triệt nội dung và triển khai khá rốt ráo.

Trong quá trình triển khai, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Hà Nội đã xuống tận các huyện làm đầu mối để kết nối cho từng doanh nghiệp với từng ngân hàng.

Tính đến nay, đã có 23 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng thương mại tham gia chương trình với hạn mức cam kết 17.870 tỷ đồng. Trong đó, có trên 3.000 tỷ đồng là điều chỉnh lãi suất, còn lại là cấp tín dụng mới.

Trên thực tế đã có 460 doanh nghiệp được hưởng chương trình này, trong đó có 415 doanh nghiệp được giảm lãi suất với dư nợ 3.022 tỷ đồng.

- Doanh nghiệp tham gia chương trình có được hưởng lãi suất ưu đãi không thưa ông?

Ông Trần Quốc Hùng: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp, từ cuối năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện nhiều đợt cắt giảm lãi suất, hiện mức lãi suất áp dụng cho các doanh nghiệp ở mức từ 6-10%, tùy theo thỏa thuận với ngân hàng, năng lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi tham trong Chương trình này, hầu hết lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 10%/năm, ngắn hạn chỉ còn 6,5%-7,5%%/năm. Ngân hàng Nhà nước Hà Nội sẽ tiếp thu những kiến nghị của doanh nghiệp để làm sao hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp huy động được nguồn vốn vay dài hạn với mức lãi suất thấp hơn nữa, đồng thời đề nghị các ngân hàng thương mại khai thác tốt hơn nữa tiềm năng các nguồn vốn giá rẻ để cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi.

- Các doanh nghiệp đánh giá như thế nào về chương trình này, thưa ông?

Ông Trần Quốc Hùng: Đa số doanh nghiệp cho rằng, ngành ngân hàng trong thời gian qua đã có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và rất gắn bó với doanh nghiệp, kể cả trong thời gian doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của ngành ngân hàng đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong vấn đề tỷ giá.

Song, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp hiện còn khó khăn do khó đáp ứng đủ các điều kiện của ngân hàng.

Về vấn đề này, chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thông thoáng hơn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn và phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, phải nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải ngân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã tiếp cận nguồn vốn vay ổn định ảnh 2Tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã tăng trở lại. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tín dụng đã tăng trở lại

- Thưa ông, trong suốt quý I/2014, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội khá "ì ạch" nhưng từ tháng Năm trở đi, mức tăng đạt khá. Ông có thể giải thích nguyên nhân?

Ông Trần Quốc Hùng: Đúng là những tháng đầu năm, chung tình trạng khó khăn như cả nước nên tín dụng tại địa bàn Hà Nội không như kỳ vọng. Ở một mức độ nào đó, niềm tin của doanh nghiệp được củng cố nhưng vẫn mong manh, bởi nền kinh tế vừa thoát đáy, nhưng lại xuất hiện một số bất ổn ở cả trong nước, khu vực và trên thế giới, nên tâm thế của một bộ phận doanh nghiệp là chờ đợi.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2014, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chẳng hạn chương trình “Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp” nên mức tăng cải thiện khá rõ nét.

Trong tháng 7/2014, doanh số cho vay đạt tới 417.532 tỷ đồng, tăng tới 19,44% so với tháng trước. Các tổ chức tín dụng đã tăng cường mở rộng cho vay bán lẻ, cho vay nhà ở, hộ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; tập trung dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Dự kiến đến 31/8/2014, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có thể đạt 917.880 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng 7/2014.

- Xin cảm ơn ông!

Ngày 30/5/2014, Ủy ban Nhân dân thành Phố Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 20/5/2014 về thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp với mục đích: Gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại dưới hình thức ký kết hỗ trợ vốn vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Hà Nội cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trên địa bàn thông qua hội nghị, hội thảo hoặc giao ban trực tuyến để thông tin, phổ biến cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và các cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng cũng như giải đáp, phản hồi các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục