Gói bánh chưng tặng người khó khăn, nạn nhân chất độc da cam dịp Tết

Ban Tổ chức dự kiến sẽ trao khoảng 500 phần quà cho các đối tượng chính sách, hộ khó khăn ở tỉnh Kon Tum và Quảng Trị, cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì...

Gói bánh chưng. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Gói bánh chưng. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Chương trình "Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết" năm 2024 sẽ diễn ra ngày 30/1, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Đây là hoạt động thường niên tại Làng nhằm tiếp nối và phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách," chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn để mọi người cùng đón Tết Giáp Thìn ấm áp nghĩa tình, hướng tới một năm mới bình an, tốt đẹp.

Ban Tổ chức dự kiến sẽ trao khoảng 500 phần quà (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa) cho các đối tượng chính sách, hộ khó khăn ở tỉnh Kon Tum và Quảng Trị, cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (xã Ba Trại, huyện Ba Vì); xóm Muỗi, xã Yên Bài, thị xã Sơn Tây, Hà Nội; và đồng bào đang sinh hoạt hàng ngày tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Trước đó, Ban Tổ chức tiến hành dựng cây Nêu ngày Tết xuân Giáp Thìn 2024. Đây là phong tục truyền thống nhằm thờ kính thần linh, thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn, trừ những điều xấu của năm cũ, đón Tết bình an, hạnh phúc với ước mong có nhiều đổi mới, thành công hơn trong năm mới.

Ở mỗi dân tộc và vùng miền, cây nêu lại có hình thức trang trí khác nhau, ý nghĩa bên cạnh sự khác biệt còn có sự tương đồng đó là cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh, xua đuổi cái xấu, tượng trưng những điều tốt đẹp, thể hiện khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Cây nêu thường được dựng lên trong dịp Tết và trong các nghi thức, lễ hội của cộng đồng các dân tộc.

Ban Tổ chức mong muốn thông qua chương trình giới thiệu với du khách trong nước, quốc tế nét văn hóa đặc sắc trong truyền thống đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đây cũng là dịp để các thế hệ người Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, chung tay góp phần tiếp nối và phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân của dân tộc. Qua đó củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam; giáo dục ý thức trách nhiệm về việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc cho cộng.

Các hoạt động tại Làng góp phần thể hiện một bức tranh đa sắc màu văn hóa dân tộc, quảng bá, giới thiệu về Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam" diễn ra thường niên tại Làng đã góp phần lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa 54 dân tộc Việt Nam; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục