Goldman Sachs dự báo triển vọng Fed hạ lãi suất trong năm 2024

Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, bốn lần cắt giảm trong năm 2025, cộng thêm một lần cắt giảm vào năm 2026, đưa lãi suất dài hạn về mức ổn định 3,25-3,5%.

Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm 2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm 2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs vừa cập nhật dự báo triển vọng lãi suất của Mỹ.

Ngân hàng này dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm nay, với lần đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng Sáu.

Bước sang năm 2025, Goldman Sachs cho rằng sẽ có tổng cộng bốn lần cắt giảm lãi suất nữa, cộng thêm một lần cắt giảm vào năm 2026, đưa lãi suất dài hạn của Mỹ về mức ổn định 3,25-3,5%.

Báo cáo của Goldman Sachs cho biết “việc xem xét lại lãi suất trung lập (lãi suất liên ngân hàng) có thể sẽ là cuộc tranh luận lớn tiếp theo của Fed trong thời gian tới.

Đây là trọng tâm mà Fed muốn điều chỉnh để theo đuổi chính sách của mình.

Hiện Fed đang duy trì lãi suất cơ bản ở mức 5,25-5,5% và chốt tỷ lệ lãi suất trung lập ở mức 2,5%.

Tỷ lệ trung lập là tỷ lệ phổ biến khi lạm phát và thất nghiệp gần mức tối ưu, do đó Fed không cần phải tăng hoặc giảm lãi suất.

Phát biểu với báo giới địa phương vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố các nhà hoạch định chính sách đang chờ thêm số liệu để chắc chắn rằng lạm phát đã được kiểm soát trước khi hạ lãi suất.

Trong năm 2023, lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể nhưng vẫn vượt mức mục tiêu dài hạn 2%.

Trong tháng Hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát, của Mỹ đã bất ngờ tăng 0,4% so với tháng trước đó.

Nhận định về triển vọng lãi suất, sau khi dữ liệu CPI được công bố, quan chức cấp cao của Fed, Christopher Waller cho rằng ngân hàng trung ương nên thu hẹp biên độ giảm hoặc trì hoãn việc hạ lãi suất để ứng phó với số liệu lạm phát "đáng thất vọng.”

Ông Waller nói đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Điều này cho thấy nền kinh tế nói chung ở trạng thái khá tốt.

Fed không cần vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ, thay vào đó nên duy trì lãi suất ở mức hiện tại lâu hơn so với dự kiến nhằm giúp giữ lạm phát theo "quỹ đạo" ổn định quanh mức 2%.

Nhà kinh tế trưởng của Vanguard Roger, Aliaga-Díaz, thậm chí còn bi quan hơn với dự báo Fed có thể sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Ông nói: “Nền kinh tế Mỹ đã tỏ ra kiên cường hơn nhiều so với những gì mọi người có thể mong đợi, bất chấp những nỗ lực hạ nhiệt của Fed.”

Và chuyên gia Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Apollo Global Management, đã đi xa hơn khi khẳng định mức cắt giảm lãi suất sẽ bằng 0 trong năm nay, thay vì chỉ nói rằng đó là một khả năng.

Trả lời hãng tin Bloomberg, ông Slok cho hay: “Điểm mấu chốt là Fed sẽ dành phần lớn thời gian của năm 2024 để chống lạm phát. Do đó, lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao.”

Ông cũng cho biết thêm các thị trường cần nhận thức rằng dữ liệu lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Việc Fed chuyển hướng [hướng tới chính sách thắt chặt hơn] đã tạo thêm một luồng gió thuận lợi cho nền kinh tế, thị trường tài chính, điều kiện tài chính và thị trường vốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, ngành Thuế đã nghiên cứu, phát triển và ứng dụng hơn 148 giải pháp công nghệ hiện đại, tích hợp toàn bộ hoạt động quản lý thuế lên môi trường số. (Ảnh: Vietnam+)

10 sự kiện nổi bật của ngành Thuế trong năm 2024

Năm 2024 đánh dấu những bước tiến vượt bậc của ngành Thuế Việt Nam trong việc hiện đại hóa, số hóa quản lý thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách.