Sứ thủ công lu mờ

Gốm công nghiệp phát triển, sứ thủ công lu mờ

Hiện nay, trong khi gốm sứ xây dựng ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ thì dòng gốm thủ công mỹ nghệ đang gặp khó khăn rất lớn.

Được đánh giá là một ngành hàng mà Việt Nam có nhiều thế mạnh, nhưng gốm sứ Việt Nam đang có sự phân cực rất rõ.

Những đơn vị sản xuất công nghiệp, đa phần là gốm sứ xây dựng, đã và đang phát triển mạnh mẽ, trong khi dòng gốm thủ công mỹ nghệ đang gặp khó khăn rất lớn.

Gốm xây dựng có thể sánh vai các cường quốc

Theo đánh giá từ Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), cho đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở sản xuất gốm sứ xây dựng ở Việt Nam đều có công nghệ hiện đại, thiết bị ở mức tiên tiến so với khu vực và thế giới.

Với những dây chuyền thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, sản phẩm sứ vệ sinh sản xuất tại Việt Nam đã đạt các thông số tiêu chuẩn Việt Nam, một số cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng BS của Anh, tiêu chuẩn chất lượng JIS của Nhật Bản…

Tốc độ phát triển của ngành gốm sứ Việt Nam nhiều năm qua đều trên 10%/năm, thậm chí có năm lên tới 20%/năm.

Nếu như cách đây chỉ 5 năm, tổng sản lượng phấn đấu của toàn ngành ước khoảng trên dưới 10 triệu m2 gạch lát sàn và tường thì năm nay, 2009, chỉ riêng sản lượng của công ty cổ phần Đồng Tâm đã là khoảng 15 triệu m2 gạch ốp lát, 15 triệu viên ngói màu.

Trong câu chuyện về công ty mình, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đồng Tâm không quên “khoe khéo” về vị Tổng giám đốc người Pháp - người từng lãnh đạo Tập đoàn Schneider nổi tiếng châu Âu, cố vấn của Bộ Thương mại Pháp và vị Phó Tổng giám đốc phụ trách hạ tầng công nghiệp và bất động sản - một kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật.

Và tất cả bắt đầu từ những viên gạch bông lót nền thương hiệu Đồng Tâm mà người cha của ông Thắng làm ra từ một cơ sở nhỏ bé với vài công nhân đúng 40 năm về trước.

Trước cơn bão suy thoái kinh tế thế giới, Hội đồng Quản trị doanh nghiệp này đã khôn khéo quyết định tạm hoãn, điều chỉnh kế hoạch chậm lại một năm đối với một số dự án nằm trong kế hoạch đầu tư dài hạn 2008-2010 (các dự án này sẽ được tiếp tục đầu tư vào năm 2010).

Rất tự tin về tương lai sáng sủa, không chỉ của doanh nghiệp mình mà của cả ngành sản xuất, kinh doanh này, ông Thắng đánh giá cao những cơ hội phát triển từ gói kích cầu của Chính phủ, đặc biệt là khả năng hỗ trợ của gói kích cầu cho các dự án cơ sở hạ tầng.

“Thị trường đã có dấu hiệu sôi động trở lại và sẽ tiếp tục đà này vào những tháng cuối năm 2009 và những năm tiếp theo”, ông nhận xét. Kinh nghiệm, theo ông, gói gọn trong 4 chữ “làm ăn chuyên nghiệp”.

Và quả thực, chỉ vài phút truy cập vào trang web được xây dựng bằng 6 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Nhật Bản) của Đồng Tâm, người ta đã có được một ví dụ khá cụ thể về tính “chuyên nghiệp”.

Tuy nhiên, người đứng mũi chịu sào của doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam về sản lượng gạch men cũng không thể không quan tâm tới động thái mới đây của Trung Quốc về việc từ hạ tuần tháng 7 và tạm thời cho đến đến hết năm 2009, nước này giảm thuế xuất khẩu xuống 0% đối với mặt hàng gạch men ốp, lát đặc chủng.

Các doanh nghiệp Trung Quốc nhờ đó đã điều chỉnh giảm giá các mặt hàng này trung bình 7% so với cuối quý II. Những động thái như vậy chắc chắn sẽ còn tiếp tục xảy ra trên thị trường quốc tế và các doanh nghiệp không thể không có sẵn “đối sách” thích hợp.

Làng gốm thủ công vẫn trong cơn bĩ cực

Nếu nói một cách hình ảnh thì trong khi “ông bạn” gốm xây dựng (phần lớn đều khởi nghiệp mới chỉ vài chục năm) đang tiếp tục “nhấn ga” chạy khá nhanh trên một chiếc ôtô, thì các làng nghề gốm thủ công với truyền thống mấy trăm năm đang cố gắng trườn đi một cách nặng nhọc trên những chiếc xe đạp thồ cũ kỹ.

Làng nghề gốm Bát Tràng nổi tiếng trong nước và cả nước ngoài vẫn chưa thể nhộn nhịp trở lại như thời hoàng kim.

Nghệ nhân Lê Văn Thụ (con trai của nghệ nhân Lê Văn Cam) với nghiệp gốm sứ cha truyền con nối không thể ngồi chờ khách tự tìm đến với mình như trước.

Anh chủ động tìm đến các khách sạn, nhà hàng lớn để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm những đơn hàng đồ gia dụng và trang trí nội thất, dù lợi nhuận thấp hơn xuất khẩu.

Anh Thụ trăn trở: “Để có được những sản phẩm gốm sứ độc đáo và đẹp, đến tầm nghệ thuật, trước tiên cần có nguyên liệu tốt. Lâu nay ta vẫn có gì dùng nấy, chưa ai nghĩ đến việc cải thiện chất lượng đất nguyên liệu”.

Trong khi đó, các nghệ nhân gốm sứ Trung Quốc không chỉ có được nguồn đất nguyên liệu tốt hơn, mà còn rất biết cách “cơ khí hóa” một cách hợp lý nhiều khâu trong quá trình sản xuất nhờ các loại máy công cụ “made in China” rất đắc dụng và giá cả phải chăng.

Ở một làng gốm cổ khác cũng đã có truyền thống 700 năm nay - Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh), số cơ sở có thể “sống khỏe” cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. “Nếu chỉ làm những loại chum vại bát đĩa mộc mạc thì cơ sở khó mà phát triển được. Nhưng làm gốm mỹ thuật thì ít nhất người đứng đầu doanh nghiệp phải có trình độ, được đào tạo bài bản, doanh nghiệp mới có thể 'trụ' được," nữ họa sĩ Mỹ Hòa, chủ cơ sở gốm Đức Thịnh nói.

Họa sĩ, nghệ nhân Vũ Hữu Nhung, Giám đốc Công ty liên doanh Gốm Nhung (giảng viên trường Đại học Mỹ thuật công nghệ) cũng dè dặt khi nói về tương lai của làng gốm cổ: “Cái may mắn nhất của Phù Lãng là gốm đã đi từ đất lên bàn, từ vườn vào nhà, nghĩa là bước từ gốm dân dụng lên gốm mỹ nghệ. Đây hẳn là con đường cho các doanh nghiệp phát triển. Vẫn biết là thế, nhưng quy mô các cơ sở gốm ở đây còn manh mún quá, để phát triển thành doanh nghiệp mạnh cũng còn khó đủ bề, nhất là khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm”.

Sản phẩm Gốm Nhung đã từng có mặt tại các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng thế giới như Frankfurt (Đức) và Hongkong, nhưng là do… các doanh nghiệp thương mại khác đưa đi. Ông Nhung bảo, việc tổ chức một chuyến đi như vậy là mong ước đã rất lâu của ông, nhưng nay vẫn chưa thực hiện được.

Một hình ảnh rất ấn tượng đối với những khách tham quan đến Phù Lãng là những đống củi lớn xếp vuông vức ở những bãi đất trống, trên bờ ruộng, bên tường nhà. Chưa một cơ sở nào chuyển sang đốt lò ga hay khí than.

Có người lý giải, đốt củi thì màu gốm đẹp hơn, “mộc” hơn, nhưng nghệ nhân Vũ Hữu Nhung thì nói thẳng: “Đốt củi rẻ hơn, nhưng nếu làm với quy mô công nghiệp chắc chắn phải đốt lò ga hoặc lò khí than thì chất lượng sản phẩm mới đồng đều”.

Ai cũng biết hàng thủ công mỹ nghệ quý ở tính độc đáo, nhưng độc đáo không đồng nghĩa với ít ỏi, manh mún. Nếu không thay đổi cách nghĩ, cách làm, không có sự hỗ trợ thiết thực dưới nhiều hình thức thì chỉ e… “của tin còn một chút này”./.

 Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
Doanh nhân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục