Góp ý về Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Ngày 30/1, Tỉnh ủy, HĐND các tỉnh Sơn La, Sóc Trăng, Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngày 30/1, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân các tỉnh Sơn La, Sóc Trăng và Nghệ An đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ban, ngành, đoàn thể về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại Sơn La, các đại biểu tham dự Hội nghị đều thống nhất với chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội. Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp là phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ mới và bối cảnh khu vực, thế giới đang có nhiều thay đổi. Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp sửa đổi Hiến pháp đã thực sự bảo đảm, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Góp ý vào Điều 4, mục 3 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Lê Nguyên Bắc, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cho rằng cần bổ sung thêm cụm từ “và điều lệ của Đảng” vào mục này. Hoàn chỉnh là: “các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, Pháp luật và Điều lệ của Đảng.” Bởi trong điều lệ của Đảng cũng đã quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của đảng viên.

Đối với Điều 9 và điều 10 của sửa đổi Hiến pháp nói về mặt trận và tổ chức công đoàn, ông Trần Minh Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cho rằng điều này là đúng và phù hợp. Nhưng ông cho rằng, cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay luôn đề cao giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Và hiện nay giai cấp nông dân vẫn là lực lượng đông đảo, là nguồn cung cấp lao động cho các lĩnh vực khác. Vì vậy, trong điều 10 nên bổ sung Hội Nông dân tương tự như Công đoàn Việt Nam.

Tại Sóc Trăng, các đại biểu tập đã được triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo ông Lê Thành Quân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết đây là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân hiểu rõ, nắm rõ được các nội dung, kế hoạch, yêu cầu của dự thảo; các cấp ủy phải đưa hoạt động góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào nội dung sinh hoạt chi bộ để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên nắm rõ, hiểu rõ được những nội dung, yêu cầu của đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này; cán bộ, đảng viên phải làm gương để nhân dân cùng tham gia.

Việc lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thể hiện tinh thần dân chủ của Đảng, Quốc hội, Nhà nước để mọi người dân có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến vào các vấn đề của quốc gia đối với từng điều khoản cụ thể. Đồng thời, có tác dụng phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng, tôn trọng, thi hành Hiến pháp… ý kiến của các đại biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được tập hợp đầy đủ và gửi về Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân để nhằm hoàn thiện dự thảo.

Thực hiện kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch cụ thể phân công các ngành, các cấp, mặt trận, đoàn thể, các lực lượng vũ trang tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến để xây dựng Hiến pháp. Kế hoạch lấy ý kiến các tầng lớn nhân dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ được tổng kết vào cuối tháng Ba tới.

Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu trước ngày 15/3 tới hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp1992.

Việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp1992 được tỉnh quán triệt đến các ngành, địa phương là phải tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; tổ chức thảo luận, lấy ý kiến bằng các hình thức phù hợp, thiết thực và tiết kiệm. Trong đó, các đối tượng chính để tổ chức lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; các cơ quan, đơn vị; cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn.

Để việc lấy ý kiến đạt được hiệu quả cao, tỉnh phân công cụ thể từng ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện, trong đó vai trò chính là các cơ quan: Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.

Bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Ban chỉ đạo thực hiện lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của tỉnh cho biết việc lấy ý kiến lần này là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục