Hà Nội: Cần có định hướng dài hơi bảo vệ nhà cổ Đường Lâm

Mới đây, việc một gia đình phá dỡ ngôi nhà cổ nằm trong danh mục cần được bảo vệ tiếp tục làm "nóng" lên vấn đề bảo tồn nhà cổ và giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống của người dân.
Hà Nội: Cần có định hướng dài hơi bảo vệ nhà cổ Đường Lâm ảnh 1Ngôi nhà bà Kiều Thị Thảo, thôn Đông Sàng, làng cổ Đường Lâm đang bị phá dỡ. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Nhà cổ và câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) là vấn đề chưa bao giờ hết "nóng" khi làng cổ trở thành di tích quốc gia, nhưng cơ quan chức năng chưa có giải pháp kịp thời hài hòa giữa việc bảo tồn và đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân.

Mới đây, việc một gia đình phá dỡ ngôi nhà cổ nằm trong danh mục cần được bảo vệ tiếp tục làm "nóng" lên vấn đề bảo tồn nhà cổ và giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống của người dân. Nếu chính quyền không có hướng bảo vệ cần thiết, rất có thể đây sẽ là tiền lệ dẫn đến nhiều ngôi nhà khác bị dỡ bỏ.


Phá bỏ trong tiếc nuối

Đầu tháng 12 vừa qua, gia đình bà Kiều Thị Thảo, thôn Đông Sàng đã dỡ bỏ ngói phần nhà cổ hơn 100 năm tuổi của mình (chung nhà với một gia đình khác) với mục đích tu bổ lại do đã xuống cấp, mặc dù năm 2011 được thành phố đầu tư gần 1 tỷ đồng tu bổ chung cho căn nhà hai hộ. Tuy nhiên, theo lời bà Kiều Thị Thảo, dù rất tiếc nuối nhưng gia đình vẫn phải dỡ bỏ.

Ngày 11/12, có mặt tại gia đình bà Kiều Thị Thảo, chúng tôi tận mắt chứng kiến một nửa ngôi nhà cổ thuộc phần sở hữu của nhà bà Thảo đang phá dỡ tan hoang. Toàn bộ mái ngói phía trước và một phần phía sau đã được dỡ bỏ, phần còn lại gồm khung gỗ, tường, cửa ra vào được bà dự định dỡ bỏ trong thời gian tới. Các cột gỗ trong nhà bị mối mọt không thể phục hồi. Trong khi đó, nửa nhà bên kia thuộc sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Gan vẫn cổ kính với mái ngói nâu, khung cửa gỗ chắc chắn. Hai gia đình ngăn cách bằng tường tôn.


[Di tích làng cổ Đường Lâm: Bài 1 - Quy hoạch một đằng, làm một nẻo]

Bên cạnh lý do xuống cấp, ngọn nguồn của việc phá bỏ này, do việc tranh chấp giữa gia đình bà và hai hộ dân khác mua chung căn nhà này. Bên cạnh việc tranh chấp ranh giới với gia đình bà Nguyễn Thị Gan, phần đất của gia đình bà Kiều Thị Thảo còn tranh chấp với gia đình ông Kiều Văn Lý.

Gia đình bà Kiều Thị Thảo đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên Ủy ban Nhân dân xã Đường Lâm hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, cán bộ xã đã làm thất lạc hồ sơ gốc của bà nên hiện không có căn cứ để giải quyết chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình.

Hà Nội: Cần có định hướng dài hơi bảo vệ nhà cổ Đường Lâm ảnh 2Ngôi nhà bà Kiều Thị Thảo, thôn Đông Sàng, làng cổ Đường Lâm đang bị phá dỡ. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Bên cạnh đó, bà Kiều Thị Thảo cũng không bằng lòng về việc trùng tu ngôi nhà vì cho rằng việc trùng tu không đảm bảo chất lượng. Trong khi các cơ quan trùng tu, bà cũng không nắm rõ chi phí đầu tư, cấu kiện được sửa chữa, không được ký bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc trùng tu.

Bà Kiều Thị Thảo mong muốn các cơ quan sớm giải quyết các tranh chấp, xác định mốc giới cho mảnh đất và nửa ngôi nhà cổ, có giấy sở hữu nhà đất và minh bạch về việc trùng tu. Bà cho rằng nếu cơ quan chức năng không giải quyết triệt để sẽ dỡ toàn bộ ngôi nhà vào cuối năm nay.


Cần sớm có hướng xử lý để giữ các ngôi nhà cổ

Mặc dù không phải nhà cổ được xếp hạng nhưng ngôi nhà của gia đình bà Kiều Thị Thảo chung sở hữu nằm trong 99 ngôi nhà cổ loại 1 và loại 2 có niên đại từ 100-200 năm ở làng cổ Đường Lâm cần được ưu tiên đầu tư, tu bổ các ngôi nhà có giá trị đặc biệt. Năm 2016, ngôi nhà này nằm trong danh mục kiểm kê di tích của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần được bảo tồn. Việc phá dỡ ngôi nhà cổ của gia đình bà Kiều Thị Thảo là sự việc đáng tiếc, nguy cơ mất đi ngôi nhà cổ và có thể đây là tiền lệ phá bỏ nhiều ngôi nhà khác khi cơ quan chức năng không có giải quyết thấu đáo.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm, cho biết gia đình bà Kiều Thị Thảo có ý định dỡ bỏ ngôi nhà nhiều năm nay vì cho rằng chính quyền chưa có giải quyết phù hợp với gia đình bà. Ban Quản lý đã động viên gia đình bà bảo tồn nhà để giữ được giá trị cho làng cổ Đường Lâm nhưng việc dỡ bỏ ngôi nhà vẫn tiếp diễn.

[Bài 2: Không gian di tích làng cổ Đường Lâm bị ảnh hưởng nghiêm trọng]

Trước sự việc này, Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm cùng Ủy ban Nhân dân xã Đường Lâm đã đến lập biên bản, đồng thời giải thích rõ việc hạ giải ngôi nhà là vi phạm quy định bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm, đề nghị gia đình giữ nguyên hiện trạng.

Ban Quản lý đã báo cáo Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây để báo cáo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa. Các cơ quan này cho biết, ngôi nhà này chưa được xếp hạng nhưng cũng đề nghị thị xã Sơn Tây vận động gia đình giữ lại nhà để bảo vệ giá trị quần thể nhà cổ ở Đường Lâm.

Đối với việc tranh chấp ranh giới nhà đất của gia đình bà Kiều Thị Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây Phạm Văn Phong cho biết theo quy định của Luật Đất đai, thị xã đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Đường Lâm hòa giải hai lần không thành. Theo quy định, nếu tranh chấp đất đai chưa có giấy tờ, có tài sản trên đất lại thuộc thẩm quyền của Tòa án, không thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính, thị xã đã hướng dẫn cho gia đình bà Thảo gửi đơn lên tòa án. Tuy vậy, gia đình chưa gửi mà thực hiện bằng việc dỡ bỏ ngôi nhà. Đó là vấn đề khó cho cơ quan chức năng, phải giải quyết tranh chấp xong mới cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hà Nội: Cần có định hướng dài hơi bảo vệ nhà cổ Đường Lâm ảnh 3Ngôi nhà bà Kiều Thị Thảo, thôn Đông Sàng, làng cổ Đường Lâm đang bị phá dỡ. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Việc này cũng đặt ra vấn đề cần có hướng bảo vệ các ngôi nhà cổ ở Đường Lâm một cách phù hợp. Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm cho biết đang đề nghị các cơ quan chức năng đặc biệt là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa tháo gỡ giúp vấn đề này. Hiện, Ban Quản lý chỉ thực hiện tuyên truyền cho người dân hiểu giá trị của nhà cổ để giữ lại bảo tồn nhưng rất trăn trở khi người dân không tìm thấy lợi ích từ việc giữ gìn nhà cổ, người ra dễ dàng phá bỏ hoặc bán đi.

Điều có thể thấy rõ việc phá bỏ ngôi nhà cổ ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn Di tích làng cổ Đường Lâm. Hơn bao giờ hết, thị xã Sơn Tây và các cơ quan quản lý văn hóa cần có những giải pháp kịp thời để giữ lại những vốn quý này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục