Tết Đoan Ngọ - còn được gọi với cái tên dân gian là lễ "Giết sâu bọ" là một ngày lễ truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Theo tục lệ cổ truyền, người dân thường cúng vào buổi sáng ngày 5/5 Âm lịch. Thời điểm này đánh dấu sự chuyển mùa, khi thời tiết trở nên nóng nực và sâu bọ, côn trùng phát triển mạnh, gây hại cho con người, vật nuôi và cây cối. Do đó, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu mong mùa vụ thuận lợi và may mắn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus trong sáng 10/6, các khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội từ sớm nhộn nhịp người mua tất bật mua bán để chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ. Trong ngày này, những mặt hàng rượu nếp, bánh tro (bánh gio), mận, vải… rất đắt khách mua.
Tại khu vực chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều sạp hàng bán rượu nếp được mở để phục vụ người dân. Bà Ánh Tuyết, một tiểu thương tại chợ cho hay trong dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, bà đã phải ủ gần 2 tạ nếp để bán phục vụ khách. Hiện mỗi kg rượu nếp được bán với giá 80.000 đồng/nếp cái và 100.000 đồng/hộp nếp cẩm (hộp 550-600g), đối với rượu nếp đóng sẵn trong hộp nhỏ 200g thì có giá 20.000-25.000 đồng/hộp.
“Năm nay, nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 10% nhưng tôi cũng không dám tăng giá rượu nếp để giữ khách. Bớt đi chút lãi nhưng bán được hơn là tốt rồi,” bà Tuyết chia sẻ.
Cùng với rượu nếp thì bánh gio (hay còn gọi là bánh tro) cũng là một món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ. Tại các chợ dân sinh, bánh tro có giá từ 8.000-10.000 đồng/cái. Đây là bánh được làm bằng gạo nếp và nước tro (gio) của nhiều loại cây mật ong. Bánh thường được bán kèm cùng với mật.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ này thì các loại hoa quả như vải, mận được người dân chọn mua nhiều. Năm nay mặt hàng vải thiều Bắc Giang, Hải Dương; mận hậu Sơn La mất mùa nên giá bán khá cao.
Theo khảo sát, mận hậu loại ngon có giá khoảng 100.000 đồng/kg, vải thiều giá 80.000-100.000 đồng/kg, đắt gấp rưỡi năm ngoái. Các loại hoa quả khác như măng cụt, xoài giá 60.000 đồng/kg, cam giá 40.000 đồng/kg, giá tăng nhẹ 10%. Các tiểu thương cho biết do năm nay vải thiều mất mùa nên giá cao hơn năm trước.
"Vải loại 1 được thu mua tại vườn đã có giá 60.000-70.000 đồng/kg rồi. Ngoài vải thiều tăng giá, các loại khác nhìn chung đều bình ổn, giá không tăng so với ngày thường," chị Thu, tiểu thương tại chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) cho hay.
Mâm lễ cúng gia tiên trong Tết Đoan Ngọ gồm những gì?
Ngày Tết Đoan Ngọ, mỗi nhà không cần chuẩn bị cỗ mặn phức tạp, chỉ cần có mâm lễ cúng gọn gàng, đơn giản để dâng gia tiên cũng như mong cầu sức khỏe cho cả gia đình.
Ngoài ra, giá hoa tươi cũng có phần tăng nhẹ khoảng 10-20% so với năm trước như: Hoa loa kèn giá 35.000-50.000 đồng/chục tùy loại, hoa cúc từ 40.000-60.000 đồng/chục, sen Hồ Tây giá 120.000-130.000 đồng/bó…
Do Tết Đoan Ngọ năm nay rơi vào đầu tuần đi làm, nhiều gia đình không có đủ thời gian ra chợ mua đồ cúng nên chuyển sang đặt mua sẵn. Hiện tại chợ truyền thống cũng như chợ online đang bày bán rất nhiều các loại set mâm cúng "giết sâu bọ" dao động từ vài trăm nghìn đồng đến cả vài triệu đồng tùy kích thước. Những mâm lễ này thường có mận hậu, vải thiều, cơm rượu nếp cái hoa vàng, cơm rượu nếp cẩm, bánh gio mật mía, hoa sen hoặc hoa cúc... được trang trí cầu kỳ, bắt mắt.
Để chuẩn bị cho mâm cúng Tết Đoan Ngọ năm nay, từ cuối tuần chị Đới Thị Đóa (quận Hai Bà Trưng) đã đặt một set cúng chay có giá 180.000 đồng trên mạng bao gồm: Vải thiều, mận, trầu cau, đào, bánh xu xuê, bánh cốm, hoa sen quan âm gấp cánh… để kịp cúng sáng nay.
“Do đi làm sớm không có thời gian nên vào những ngày lễ cúng tôi thường đặt cỗ trên mạng cho tiện. Mâm cỗ này tuy giá có cao hơn mua ngoài chợ nhưng rất tiện lợi, kèm theo trang trí cầu kỳ, đẹp mắt để dâng lên tổ tiên,” chị Đóa nói.
Một số hình ảnh người dân, tiểu thương đi mua sắm đồ cúng trong sáng Tết Đoan Ngọ: