Hà Nội gạt “sạn” để trao cơ hội vàng cho người thu nhập thấp

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô tiến hành thu hồ sơ và xét đối tượng được mua nhà ở xã hội phát hiện nhiều khách hàng không đúng đối tượng được mua.
Hà Nội gạt “sạn” để trao cơ hội vàng cho người thu nhập thấp ảnh 1Tiếp nhận hồ sơ mua nhà thu nhập thấp. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)

Phát triển nhà ở xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp có quyền được mua và sở hữu căn hộ là một chủ trương lớn đầy nhân văn của Chính Phủ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Trên tinh thần đó, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương và chủ đầu tư tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội, khắc phục những khó khăn bất cập, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nhờ vậy, với giá căn hộ rẻ cùng nhiều ưu đãi và hỗ trợ, chương trình phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội thật sự là "cơ hội vàng" cho người thu nhập thấp an cư lạc nghiệp, gắn bó làm việc lâu dài tại Thủ đô.

Dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội

Hà Nội luôn được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp với hàng nghìn căn hộ được đưa vào sử dụng, gồm cả loại hình nhà ở bán, cho thuê và thuê mua.

Cụ thể, trên địa bàn Thủ đô đã có 58 dự án nhà ở xã hội được thực hiện; trong đó đã hoàn thành 8.000/20.000 căn hộ của cả nước (chiếm 40%).

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết chương trình nhà ở thu nhập thấp đã được thành phố Hà Nội phê duyệt và thực hiện từ tháng 1/2014.

Nhằm thực hiện tốt chương trình này, thành phố Hà Nội có quy định rất rõ là dành 25% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Đối với những doanh nghiệp làm tốt, có nhiều dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, thành phố sẽ mời đầu tư, giao dự án mới.

Minh chứng các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cũng cho thấy các chủ đầu tư đã rất cố gắng bàn giao nhà cho người dân đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình. Điển hình như khu nhà ở xã hội Đặng Xá (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), chủ đầu tư Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera đã hoàn thành dự án nhà thu nhập thấp chỉ trong bảy tháng và có những căn hộ có giá dưới 10 triệu/m2, đáp ứng lòng mong mỏi có được căn hộ của những người thu nhập thấp, góp phần thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.

Hay dự án nhà ở xã hội Ecohome 1 và Ecohome 2 (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư cũng đã sớm hoàn thành dự án bàn giao căn hộ Ecohome 1 cho khách hàng, tạo niềm vui cho nhiều người lao động thu nhập thấp "an cư lạc nghiệp" tại Thủ đô.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong hai năm 2013-2014, đã có chín dự án nhà ở xã hội hoàn thành, cung cấp 5.996 căn hộ, với tổng diện tích 474.000m2 sàn. Với giá cả hợp lý các dự án nhà ở xã hội này đã mang đến mái ấm cho những người thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Còn "sạn" trong triển khai dự án nhà ở xã hội

Thời gian qua, có nhiều ý kiến của người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội cho rằng các dự án này cần làm rõ đối tượng nào được mua nhà ở xã hội, tránh tình trạng không minh bạch, người thu nhập thấp không đủ tiền mua, còn những đối tượng không có nhu cầu ở thì lại mua được.

Đơn cử tại dự án mua nhà ở xã hội Ecohome 2, khi chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô tiến hành thu hồ sơ và xét đối tượng được mua nhà phát hiện nhiều khách hàng không đúng đối tượng được mua theo Điều 14 Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô đã đình chỉ tám trường hợp mua nhà xã hội thuộc dự án Ecohome 2. Đáng chú ý, tám cặp vợ chồng này đều được các cơ quan quản lý xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở. Đây là tiêu chí quan trọng nhất giúp cán bộ hoàn thiện hồ sơ và được quyền mua nhà ở xã hội.

Ông Đỗ Đức Đạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô cho biết, cũng có một số khách đi xe ô tô sang đến để nộp hồ sơ mua, sau đó cũng xác định được đó là lái xe của một số cơ quan ban ngành đến nộp. Sau khi hướng dẫn khai hồ sơ, chúng tôi cũng xác định các trường hợp vi phạm và yêu cầu trả lại hồ sơ.

Qua khảo sát cũng cho thấy một số khu nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội hiện chưa có hạ tầng thiết yếu xã hội nên rất bất tiện cho người dân chuyển đến sinh sống. Như tại khu đô thị Kiến Hưng (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp ở đây đi vào hoạt động từ năm 2012 nhưng đến nay khu ở vẫn không có đèn đường gây khó khăn cho người dân sinh hoạt.

Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông, khẳng định việc chưa có điện chiếu sáng tại khu này là có thực. Theo tiến độ thi công, nhà thầu và các bên liên quan cam kết sẽ hoàn thành việc thực hiện điện chiếu sáng tại đây trong tháng 8/2015. Quận sẽ đôn đốc và cam kết đến thời điểm trên sẽ có điện chiếu sáng từ khu đấu giá vào khu tái định cư dự án này.

Đặc biệt, vấn đề chất lượng xây dựng công trình nhà ở xã hội đang là điều đáng bàn tại Hoàng Mai, Hà Đông... Một số dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều bất cập như hệ thống chiếu sáng, thang máy, đồng bộ hóa các dịch vụ xung quanh khu dân cư...

Hà Nội đã xem xét chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội 19 dự án, với tổng căn hộ 11.824 căn. Dự kiến, năm 2015, Hà Nội hoàn thành hơn 200.000m2 loại hình nhà ở này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục