Hà Nội: Gỡ các ‘nút thắt,’ giúp doanh nghiệp vượt khó sau đại dịch

Thành phố khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô, cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp.
Hà Nội: Gỡ các ‘nút thắt,’ giúp doanh nghiệp vượt khó sau đại dịch ảnh 1Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị: Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với phương châm sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế, chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Đây là nội dung phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19” do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sáng 6/11.

Doanh nghiệp thành lập mới giảm 10%

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong 10 tháng của năm 2021 có 19.848 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 10%) với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng (giảm 2%).

Ngoài ra, có 2.566 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 26%), 11.034 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 17%); 9.144 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 76%).

Đáng chú ý, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội, trong đó khu vực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn do các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn thành phố cũng như trong cả nước.

Kết quả khảo sát nhanh đến ngày 27/10 do Cục Thuế Hà Nội thực hiện đối với 28.377 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, chỉ có 30,4% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% số doanh nghiệp có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…

[Bí thư Đinh Tiến Dũng: Động lực xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp]

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội kiến nghị cần nhanh chóng có các giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất-kinh doanh.

Thành phố cần triển khai các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, xóa nợ, cơ cấu lại nguồn vay, giãn nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn… giảm tiền điện, nước, cước viễn thông..

“Cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại; đề cao tiêu chí về công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và áp dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,” ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Chu Đức Lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ đề nghị thành phố Hà Nội nên số hóa cải cách thủ tục hành chính, định lượng bằng quy định thời gian giải quyết thủ tục dứt điểm, giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp, người dân, tạo nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.

Thực tế cho thấy nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp nhất là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu tác động rất nặng nề và cần có các chính sách hỗ trợ quyết liệt.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã quyết liệt trong việc ban hành các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ.

Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.

Lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm phục vụ

Với vị thế là Thủ đô, là trái tim của cả nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh thành phố quyết tâm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội khẳng định các kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp, các Hiệp hội cũng sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

“Thành phố khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô, cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật,” ông Đinh Tiến Dũng nói.

Hà Nội: Gỡ các ‘nút thắt,’ giúp doanh nghiệp vượt khó sau đại dịch ảnh 2Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết thành phố sẽ thực hiện nhanh nhất, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; Hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại; Hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh…

Hà Nội thực hiện các cơ chế chính sách như thúc đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các Đề án, Kế hoạch đã ban hành. Đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách, bảo đảm thực chất, hiệu quả, thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian nhanh nhất.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, đi đôi với triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, ngay từ những ngày đầu xảy ra đại dịch COVID-19, thành phố đã chủ động nắm bắt các vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Theo đó, ngày 1/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022 và 2023.

Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính, trong đó có hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Kế hoạch cũng đã đề ra 5 nhóm giải pháp. Trong nhóm giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thực hiện nhanh nhất, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại; hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời, thực hiện các cơ chế chính sách của thành phố.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin Bộ đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 và thực hiện song song việc rà soát, sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh.

“Tinh thần chung là tích cực và quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các dự án đầu tư. Thời gian tới, sẽ nghiên cứu, sửa đổi một số luật cho phù hợp với thực tế; tích cực cải cách thủ tục hành chính, tích hợp một số thủ tục vào giấy phép đăng ký kinh doanh,” Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Ông Đông cũng khẳng định, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu chính phủ giảm thuế cho doanh nghiệp. Hiện trong quá trình thực hiện còn nhiều luật chồng chéo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu Chính phủ sửa 6 luật, trình Quốc hội xem xét trong tháng 12 tới. Với chương trình chuyển đổi số, Bộ cũng đang triển khai 3 chương trình lớn.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Hoàng Quang Phòng đánh giá cao thành phố Hà Nội đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Cách làm của Hà Nội rất hay, đặc biệt, tại hội nghị, vấn đề đưa ra rất đúng và trúng cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Quang Phòng, sự có mặt và phát biểu của lãnh đạo Thành ủy đã thể hiện sự quan tâm, đồng hành của thành phố với doanh nghiệp.

Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị chương trình phục hồi và phát triển bền vững, Phó Chủ tịch VCCI kiến nghị công tác soạn thảo cần chú ý phân chia giai đoạn, đối tượng cụ thể, tránh cào bằng. Các gói hỗ trợ, đào tạo lao động cần nhanh chóng được xây dựng với quy mô và mức hỗ trợ phù hợp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh cam kết của lãnh đạo thành phố sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch COVID-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục