Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên huy động tổng lực phòng, chống mưa lũ

Tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố đã huy động tổng lực để phòng chống và khắc phục thiệt hại.

Tuyến đường vào thôn Lê Lợi, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên bị ngập do nước sông Hồng dâng cao. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Tuyến đường vào thôn Lê Lợi, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên bị ngập do nước sông Hồng dâng cao. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố đã huy động tổng lực để phòng chống và khắc phục thiệt hại.

Hải Dương phát lệnh báo động số 1 trên trên hệ thống sông Luộc

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát lệnh báo động số 1 trên hệ thống sông Luộc từ 13 giờ ngày 10/9.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, mực nước thực đo lúc 12 giờ ngày 10/9 trên sông Luộc tại trạm thủy văn La Tiến là 4,25m, cao hơn báo động 1 là 0,05m. Dự báo 12 đến 24 giờ tới, mực nước trên sông Luộc tại La Tiến tiếp tục lên, có khả năng vượt mức báo động 2 vào tối 10/9.

Mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê, sông Kinh Thầy tại Bến Bình tiếp tục duy trì ở mức trên báo động 2 và có thể đạt mức báo động 3 vào sáng 11/9. Mực nước trên sông Gùa tại Bá Nha, sông Kinh Môn tại An Phụ, sông Rạng tại Quảng Đạt sẽ lên theo triều và mưa lũ thượng nguồn, đến chiều 10/9 sẽ lên báo động 3.

Nước lũ có thể gây ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông, khu vực trũng thấp thuộc hai thành phố Hải Dương, Chí Linh và các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện… Cần đề phòng lũ quét cục bộ, sạt lở đất đá ở vùng núi, vùng ven sông suối và ngập úng ở vùng trũng thấp. Trước đó, sáng cùng ngày, tỉnh Hải Dương đã phát lệnh báo động số 2 trên hệ thống sông Thái Bình.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, cấp, ngành triển khai lực lượng, thực hiện tuần tra canh gác đê điều theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu; kiểm tra việc đóng kín các cống dưới đê, thực hiện nghiêm quy định về đóng, mở cống dưới đê trong mùa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến hư hỏng của các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, các trọng điểm xung yếu về đê điều, đặc biệt là các cống qua đê.

Cùng với đó, các đơn vị thực hiện rà soát công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm "4 tại chỗ"; thực hiện nghiêm việc quản lý chặt chẽ các bến bãi ở bãi sông và phương tiện đi trên đê; di chuyển ngay toàn bộ vật tư, phương tiện, thiết bị, tài sản khác ngoài bãi sông, trên sông để đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ sông.

Đối với các khu dân cư ngoài bãi sông, các đơn vị, địa phương chủ động chuẩn bị sẵn sàng, chi tiết, cụ thể phương án để sơ tán dân về nơi an toàn khi có lệnh, không để xảy ra bị động, bất ngờ, chậm trễ dẫn đến thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với mưa lũ dẫn tới sự cố công trình không kịp thời phát hiện, gây sự cố nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản.

Hà Nội tích cực chống ngập, úng

Tính đến 15 giờ 30 phút ngày 10/9, qua công tác kiểm tra của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, trong thành phố còn một số điểm úng ngập. Cụ thể: Cầu Bươu (từ Bệnh viện K - Mương Yên Xá), Triều Khúc (ngõ 97 đến Ao Đình), Yên Xá, Kẻ Vẽ (đoạn ngã ba chợ Vẽ), Đại lộ Thăng Long (ngã ba giao Lê Trọng Tấn), Hầm chui (số 3, số 5, số 6, Km9+656). Giao thông qua khu vực nêu trên rất khó khăn, thậm chí một số điểm xuất hiện ùn tắc cục bộ do nước ngập sâu.

ttxvn_chuong my ha noi mua ngap.jpg
Vùng "rốn lũ" xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) lại ngập sâu trong nước. (Ảnh: TTXVN phát)

Để đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội vận hành hợp lý các cửa phai của hồ điều hòa Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối…và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mực nước trên hệ thống. Các thông tin lượng mưa, chế độ vận hành trạm bơm, cửa phai và tình hình úng ngập được cập nhật theo thời gian thực về Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước.

Công ty vận hành các bơm trên hệ thống thoát nước đô thị. Cụ thể, Trạm bơm Đồng Bông 1 vận hành 13/14 bơm; Trạm bơm Đồng Bông 2 vận hành 5/9 bơm; Trạm bơm Cổ Nhuế vận hành 4/4 bơm; Trạm bơm Cầu Bươu vận hành 3/5 bơm; Trạm bơm Yên Sở vận hành 20/20 bơm; Trạm bơm tiêu thoát nước 20m3/s Bắc Thăng Long Vân Trì vận hành 2/4 bơm.

Đáng chú ý, do mực nước các sông Hồng, Lô, Đà, Đuống, Nhuệ đang lên rất nhanh với lưu tốc dòng chảy lớn trên báo động 1 ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận hành của các trạm bơm Đồng Bông 2, Cầu Bươu nước tràn ngược lại vào khu vực vận hành bơm, khu vực bể xả.

Tại Trạm Bơm Yên Sở phát hiện mạch sủi tại vị trí phía trên đỉnh cống qua đê (từ bề điều áp ra khoảng 60m) có nguy cơ gây nứt cống xả đoạn từ bể điều áp ra sông Hồng. Công ty triển khai đắp bao tải cát ngăn dòng nước chảy ngược vào trạm bơm và phối hợp Hạt quản lý đê điều số 5 triển khai biện pháp giải quyết trước mắt sự cố mạch sủi này. Hiện sự cố không phát triển thêm, Trạm bơm Yên Sở đang hoạt động bình thường.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ nay đến sáng 12/9, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 80 - 150mm, có nơi trên 250mm. Do đó, các lực lượng, phương tiện của Công ty tiếp tục vệ sinh, kiểm tra thanh thải, đảm bảo thông thoáng dòng chảy bị ảnh hưởng do mưa, vận hành các cửa phai, trạm bơm nhằm hạ mực nước trên toàn bộ hệ thống.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Công điện số 14/CĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về việc tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn khai thác các công trình cầu trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của bão số 3.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ công trình cầu đang khai thác trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý kịp thời phát hiện, đưa ra biện pháp xử lý ngay đối với công trình có nguy cơ mất an toàn khai thác.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ thực tế hiện trạng công trình, tình hình nước lũ, quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác kịp thời đối với các công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại an toàn và thuận lợi...

Hưng Yên khắc phục nhanh hậu quả bão số 3

Chiều 10/9, Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố về việc phòng, chống lụt bão và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Theo đó, để kịp thời phòng, chống lụt bão, ngập úng, khắc phục nhanh hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát theo dõi các khu vực có nguy cơ bị uy hiếp bởi lũ, lụt, úng ngập để chủ động có phương án, giải pháp cụ thể phòng, chống và xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn đê điều, công trình thủy lợi, cầu, cống tuyệt đối không để xảy ra sự cố đê điều do lỗi chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, buông lỏng lãnh đạo, quản lý. Các địa phương rà soát, bổ sung phương án bảo vệ các trọng điểm đê xung yếu, phương án hộ đê toàn tuyến, phương án di dời người dân ra khỏi vùng lũ lụt, ngập úng; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện và các điều kiện đảm bảo thực hiện phương án theo phương châm “4 tại chỗ” để hộ đê, kịp thời xử lý sự cố đê điều...

Các sở, ngành và các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ mực nước lũ trên các sông, tình hình diễn biến thời tiết, mưa lũ, tình hình về công trình đê điều; kịp thời tham mưu, báo cáo với cấp có thẩm quyền khi có sự cố về đê điều. Các đơn vị chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải đường thủy, nhất là bến khách, bến đò ngang sông để bảo đảm an toàn về người, phương tiện vận tải khi có mưa, lũ lớn.

Lực lượng Công an, Quân đội, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh huy động tối đa lực lượng cho phòng, chống lũ lụt, ngập úng, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Các địa phương huy động tối đa lực lượng cho việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3; hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất nông nghiệp, tham gia thu dọn vệ sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; rà soát, thống kê thiệt hại; bảo đảm duy trì nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục