Hà Nội nâng thu nhập năm của nông dân đạt 80 triệu đồng vào 2025

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, thu nhập của nông dân sẽ đạt 80 triệu đồng/người/năm; đồng thời tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%.
Hà Nội nâng thu nhập năm của nông dân đạt 80 triệu đồng vào 2025 ảnh 1Cánh đồng lúa ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, thu nhập của nông dân sẽ đạt 80 triệu đồng/người/năm; đồng thời tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%.

Đến năm 2025, Hà Nội hoàn thành 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thành phố tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm từ 2,5-3%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%.

[Hà Nội sẽ đánh giá, phân hạng hơn 540 sản phẩm đăng ký OCOP]

Thành phố triển khai có hiệu quả quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 1 năm 2021-2025.

Bên cạnh đó, Hà Nội đánh giá phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên; triển khai Đề án "Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội."

Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Ngoài ra, thành phố công nhận thêm trên 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp; rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn theo hướng phù hợp với phát triển đô thị.

Hà Nội sẽ cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593ha xuống còn 140.000ha; mở rộng diện tích trồng rau, đậu từ 32.907ha lên 38.000ha; tăng diện tích cây ăn quả từ 19.390 ha lên 25.750ha…. ; chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, hướng tới tăng số lượng đàn bò đạt từ 150.000-160.000 con; tăng số lượng đàn lợn đạt từ 1,8-2 triệu con; trong đó lợn nái đạt 200.000 con...

Về phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; phát triển kinh tế trang trại; phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn.

Đồng thời, Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; cải thiện về môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục